Bệnh hầu họng: Nguyên nhân, triệu chứng

Bệnh bạch hầu: Nguyên nhân, triệu chứng

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, rất dễ lây lan, bệnh thường ảnh hưởng đến niêm mạc mũi, cổ họng, khí quản, đôi khi gây có thể gây tổn thương ở ngoài da, tim mạch, thận và hệ thần kinh. Bệnh  có thể chữa được và có thể ngừa được bằng vắc xin, tuy nhiên bệnh vẫn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt là ở trẻ em.

Bạch hầu là bệnh gì?

Bạch hầu là một căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Vi khuẩn này tạo ra độc tố gây tổn thương da và niêm mạc tại chỗ, hoặc độc tố vào máu gây ra các tổn thương ở cơ quan khác như hệ thần kinh, tim mạch, thận. Ở tại chỗ tổn thương xuất hiện một lớp màng màu trắng ngà bao phủ, phát triển và tích tụ trong mũi và cổ họng, có thể dẫn đến ngạt thở.

Người mắc bệnh bạch hầu thường cảm thấy khó thở, khó nuốt và  nặng hơn có thể gặp phải các vấn đề về thần kinh, tim mạch, thậm chí tử vong. Thống kê cho thấy, khoảng 10% những người tiếp xúc với bệnh bạch hầu chết vì căn bệnh này.

Ở những vùng khí hậu ấm, người mắc bệnh bạch hầu cũng có thể phát triển các vết loét trên da và được bao phủ bởi một lớp màng trắng, gọi là bạch hầu ngoài da.

Bệnh bạch hầu có thể được điều trị khỏi bằng thuốc, nhưng ngay cả khi được điều trị, bệnh vẫn có thể gây tử vong, nhất là ở trẻ em. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây tổn thương tim, thận và hệ thần kinh.

                          Hình ảnh mô phỏng bệnh bạch hầu

Phân loại bạch hầu

Có hai loại bệnh bạch hầu chính, bao gồm bệnh bạch hầu hô hấp cổ điển và bệnh bạch hầu ngoài da:

Bạch hầu hô hấp cổ điển: Đây là loại bệnh bạch hầu phổ biến nhất, ảnh hưởng đến mũi, cổ họng, amidan hoặc thanh quản. Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng trong cơ thể. Một số người gọi tình trạng này là bệnh bạch hầu họng.

Bệnh bạch hầu ngoài da: Đây là bạch hầu hiếm gặp nhất, đặc trưng bởi phát ban da, xuất hiện vết loét hoặc mụn nước, có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Bệnh bạch hầu da phổ biến hơn ở vùng khí hậu nhiệt đới hoặc những nơi đông đúc có điều kiện sống và vệ sinh chưa được tốt.

Nguyên nhân gây bệnh và con đường lây lan

Corynebacterium diphtheriae là tác nhân gây ra bệnh bạch hầu. Chủng vi khuẩn này thường nhân lên trên hoặc gần bề mặt của cổ họng hoặc da, tạo ra một loại độc tố làm hỏng các tế bào biểu mô hô hấp và da. 

Vậy, bệnh bạch hầu có lây không? Câu trả lời là có. Vì đây là căn bệnh do vi khuẩn gây ra, vi khuẩn bạch hầu có thể lây lan từ người sang người. Những con đường lây lan của bệnh bạch hầu bao gồm:

Giọt bắn trong không khí có chứa vi khuẩn: Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi, ho hoặc khạc nhổ, những người xung quanh có thể hít phải các giọt bắn có chứa vi khuẩn.

Vật dụng nhiễm vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae: Khi một người chạm vào đồ vật có chứa vi khuẩn gây bệnh bạch hầu hoặc không cẩn thận trong quá trình xử lý đồ dùng của bệnh nhân bạch hầu (như khăn giấy, khăn tay, cốc, chén…) thì có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn.

Chạm vào vết thương bị nhiễm trùng: Nếu bạn chạm vào vết thương bị nhiễm khuẩn của người bệnh bạch hầu hoặc chạm vào quần áo có dính vết thương bị nhiễm trùng của người bệnh, thì vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể lây lan sang bạn.

Đôi khi, một người mắc bệnh bạch hầu nhẹ đến mức họ không nhận ra bản thân bị bệnh. Tuy nhiên, ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào, những người đã bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu và chưa được điều trị có thể lây nhiễm cho những người chưa được chủng ngừa bệnh bạch hầu.

Những ai có nguy cơ cao bị bạch hầu?

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu bao gồm:

Trẻ em và người lớn chưa tiêm phòng bạch hầu hoặc chưa tiêm mũi tăng cường

Những người sống ở nơi đông đúc, kém vệ sinh

Người có tiền sử tiếp xúc thường xuyên, gần gũi với bệnh nhân

Những người tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ vị trí nghi ngờ nhiễm trùng (như miệng, da) của bệnh nhân

Những người đi du lịch đến khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh bạch hầu cao

Những người có vấn đề về hệ thống miễn dịch.

Triệu chứng bệnh bạch hầu

Sau khi nhiễm vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, các triệu chứng có thể xảy ra sau 2-5 ngày, nhưng cũng có trường hợp sau 10 ngày mới có biểu hiện bệnh. Các triệu chứng của bệnh bạch hầu phụ thuộc vào bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng.

1. Triệu chứng bệnh bạch hầu hô hấp

Vi khuẩn bạch hầu thường xâm nhập vào hệ hô hấp, bám vào niêm mạc của các cơ quan hô hấp, gây ra các triệu chứng như:

  • Xuất hiện một màng dày trắng ngà bao phủ cổ họng, amidan, thanh quản, mũi, lưỡi…
  • Đau họng
  • Khàn giọng
  • Sưng hạch ở cổ (hạch bạch huyết mở rộng)
  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Chảy nước mũi 
  • Sốt nhẹ
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Khó nuốt
  • Các vấn đề về thần kinh, thận hoặc tim (nếu vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn xâm nhập vào máu)

Trong một số trường hợp, người nhiễm vi khuẩn gây bệnh bạch hầu không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ có những triệu chứng bệnh nhẹ, không rõ ràng.

2. Triệu chứng của bệnh bạch hầu ngoài da

Đôi khi, bệnh bạch hầu gây nhiễm trùng da với các triệu chứng gần như tương tự với các bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn khác, bao gồm:

  • Xuất hiện vết loét hoặc vết thương hở
  • Vết loét lớn bao quanh bởi da đỏ, sưng, đau
  • Vết loét bao phủ bởi một lớp màng màu xám
  • Có thể nổi mụn nước đầy mủ trên chân, bàn chân và bàn tay

Nhiễm trùng da bạch hầu hiếm khi tiến triển thành bệnh nặng.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *