Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV đang làm xáo trộn cuộc sống, khiến nhiều người dân hoang mang. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, ngoài các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, việc cần thiết hơn là tăng sức đề kháng, giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
Cùng chuyên gia y tế và dinh dưỡng Trường Cao đẳng Y Hà Nội tìm hiểu chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng phòng ngừa virus nCoVid-19 đang có nguy cơ lan rộng trên thế giới như hiện nay.
Virus nCoV là gì?
Virus nCoV hay còn gọi coronavirus 2019 là một loại virus đường hô hấp mới, xuất hiện từ nguồn động vật, gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và có khả năng lây lan từ người sang người. Virus này được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Các triệu chứng nhiễm virus nCoV
Theo thông báo chính thức từ WHO, các triệu chứng cấp tính của người nhiễm nCoV bao gồm: ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng. Đặc biệt, ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch dễ dẫn tới suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong.
Vì vậy, khi gặp các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần cẩn thận thông báo lịch sử tiếp xúc, di chuyển của mình trong vòng 2 tuần gần nhất cho bác sĩ để đánh giá xem có xuất hiện các yếu tố nguy cơ. Ví dụ như tiếp xúc với người từ vùng dịch hay người đang trong thời gian ủ bệnh hay không. Chỉ cần nghi ngờ bị nhiễm virus corona, ngay lập tức nên được cách ly và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.
Phương pháp điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh do chủng mới virus corona (nCoV). Theo Bộ Y tế, các cơ sở y tế tập trung điều trị triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác.
Đối với những trường hợp dương tính với virus sẽ được kiểm soát tình trạng suy hô hấp và hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ chức năng các cơ quan. Ngoài ra, bệnh nhân được dùng thuốc giảm ho, hạ sốt, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, tăng cường sức đề kháng và điều trị bệnh nền nếu có. Việc giám sát và cách ly người nhiễm nCoV cũng là vấn đề quan trọng cấp thiết hiện nay.
Chế độ dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng
Rau xanh
Rau xanh chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa hữu hiệu. Có thể kể đến súp lơ, rau cải giúp tăng cường hệ thống miễn dịch khi bạn bị cúm hoặc các bệnh viêm nhiễm khác. Bí đỏ giàu vitamin, muối khoáng, sắt và hàm lượng axit hữu cơ. Việc bổ sung rau xanh hay các loại thực phẩm khác giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng chống bệnh tật.
Các thực phẩm giàu protein
Các loại thịt như thịt lợn, thịt gà, thịt bò là thực phẩm giàu protein. Trong đó, thịt bò chứa hàm lượng kẽm cao có lợi cho việc phòng chống bệnh cúm.
Các loại quả giàu vitamin C
Cam, quýt… là những loại trái cây chứa hàm lượng vitamin C cao góp phần cải thiện hệ miễn dịch. Thường xuyên ăn trực tiếp hoặc uống nước ép các loại quả này giúp bạn tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch.
Cách phòng tránh dịch bệnh do virus nCoV
Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, để hạn chế nguy cơ nhiễm và lây lan virus nCoV, người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp sau:
– Che mũi và miệng khi ho, xì mũi bằng khăn/giấy dùng 1 lần
– Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng
– Tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu/triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm
– Nên hạn chế đi ra ngoài, hạn chế đám đông, bớt đi lễ hội, chùa chiền
– Ăn uống nghỉ ngơi điều độ, uống nhiều nước, vận động đều đặn tăng cường sức đề kháng
– Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay đúng cách
– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, có ánh nắng càng tốt
– Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, đồng thời chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn cho nhân viên y tế để được tư vấn, cách ly và điều trị phù hợp