Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa
1. Nhận định:
– Hỏi:
+ Xuất huyết từ bao giờ ?
+ Nôn ra máu hay đi ngoài phân đen ? khối lượng nhiều hay ít ?
+ Trước khi nôn ra máu có dùng thuốc gì không ?
+ Trước khi nôn ra máu có lao động nặng nhọc gì không?
+ Có lo lắng gì không ?
+ Có đau bụng khi nôn, có sốt không ?
– Khám: Cần khám toàn diện, chú ý mức độ mất máu, tình trạng choáng sốc.
– Xem xét các kết quả xét nghiệm (chú ý các XN đánh giá mức độ xuất huyết).
2. Chẩn đoán chăm sóc:
Dựa trên các dữ kiện đã thu thập được sau khi hỏi và thăm khám bệnh nhân. Các chẩn đoán chăm sóc chính của bệnh xuất huyết tiêu hoá cao có thể bao gồm:
– Nguy cơ sốc do giảm thể tích máu đột ngột (thường gặp sau khi nôn ra máu nhiều hoặc ỉa phân đen nhiều).
– Dinh dưỡng không đáp ứng đủ nhu cầu cho cơ thể do không thực hiện được chế độ ăn đúng.
– Bệnh nhân lo lắng do thấy nôn ra máu nhiều và ỉa phân đen.
– Bệnh nhân đau vùng thượng vị do tăng tiết dịch vị.
– Bệnh nhân không biết cách phòng bệnh do thiếu hiểu biết về bệnh.
3. Lập kế hoạch chăm sóc:
– Giảm nguy cơ sốc.
– Xây dựng chế độ ăn phù hợp.
– Giảm lo lắng cho.
– Giảm đau vùng thượng vị.
– Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ.
4. Thưc hiện kế hoạch chăm sóc:
* Giảm nguy cơ sốc:
– Bệnh nhân nằm bất động tại giường, đầu thấp, các nhu cầu sinh hoạt phục vụ tại giường.
– Tiêm truyền cho bệnh nhân theo y lệnh một cách khẩn trương.
– Lấy máu xét nghiệm theo y lệnh.
– Lấy mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở 30 phút/ 1 lần nếu bất thường báo cáo bác sĩ xử trí kịp thời.
– Phụ giúp thầy thuốc đặt Catheter tĩnh mạch để đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, đề phòng mất máu ồ ạt, truyền máu kịp thời.
– Đặt Sonde dạ dày tá tràng để theo dõi máu đang chảy hay đã ngừng chảy.
– Đo lượng nước tiểu để phát hiện triệu chứng đái ít hay vô niệu.
* Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với bệnh:
– Ăn lỏng, cháo sữa, súp nghiền, nước trái cây.
– Thức ăn phải để lạnh.
– Không nên ăn quá nhiều, không nên để bệnh nhân nhịn đói.
– Nên cho ăn làm nhiều bữa nhỏ.
– Khi có biểu hiện cầm chảy máu thì cho ăn nát hoặc đặc dần.
– Trong thức ăn, đồ uống không được có rượu, cà phê, thuốc lá.
* Giảm lo lắng:
– Giải thích để bệnh nhân tin tưởng vào chuyên môn và yên tâm điều trị.
– Mất ngủ dùng thuốc an thần: Seduxen, tranxen …
– Khi chảy máu đã ngừng và ổn định, hướng dẫn những phương pháp thư giãn nghỉ ngơi để giảm lo lắng.
* Giảm đau vùng thượng vị:
– Chườm lạnh vùng thượng vị.
– Cho bệnh nhân uống theo y lệnh đầy đủ và chính xác.
* Giáo dục sức khoẻ:
– Phòng và tránh bị bệnh bằng cách lao động và nghỉ ngơi hợp lý.
– Hướng dẫn cách phát hiện sớm tình trạng xuất huyết tiêu hóa để
điều trị kịp thời.
– Khuyên bệnh nhân không uống rượu, cà phê đen, không uống thuốc gây kích
thích dạ dày như: Aspirin, các loại corticoit.
5. Đánh giá:
– Xuất huyết tiêu hoá cao được đánh giá là chăm sóc tốt nếu:
+ Bệnh nhân được nghỉ ngơi tại giường.
+ Theo dõi sát mạch, nhiệt độ, huyết áp.
+ Bệnh nhân không lo lắng.
+ Chế độ ăn uống phù hợp với bệnh.
+ Thực hiện y lệnh của bác sĩ khẩn trương, đầy đủ và chính xác.
+ Khi ra viện bệnh nhân biết cách phòng và chăm sóc sức khỏe.