Nghề hộ sinh có từ thời xa xưa
Hộ sinh là một cụm từ xuất phát từ các từ tiếng Anh “Midwifed”, từ thời Ai cập cổ đại 1900-1550 TCN, nữ hộ sinh là một nhân viên làm việc ở lĩnh vực y tế trong chăm sóc sức khoẻ sản khoa và phụ khoa đã được biết đến là một “bà đỡ” với nhiều danh hiệu khác nhau như: Y tá (iatrinē), nữ hộ sinh (Maia).
Y tá hộ sinh luôn là người đồng hành với mẹ và bé
Nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe sinh sản, bên cạnh đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa thì còn một lực lượng đông đảo đó là những người hộ sinh. Họ đồng hành cùng những người mẹ từ khi mang thai đến khi mong ngóng bé cưng chào đời, hiểu từng cơn đau quặn thắt, họ rơi nước mắt khi một đứa trẻ vừa chào đời đã vội vĩnh biệt cuộc sống và nở nụ cười hân hoan cùng gia đình sản phụ khi mẹ tròn con vuông, họ thầm lặng làm tiếp công việc của mình sau khi một đứa trẻ bình an ra đời.
Vai trò của người hộ sinh tuỳ thuộc vào vị trí nơi họ công tác, từ trạm y tế xã hay bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương, công việc của họ thường là chăm sóc, tư vấn trước sinh cho thai phụ, phát hiện những những rối loạn sinh lý thông thường và đề ra những kế hoạch chăm sóc cụ thể cho từng trường hợp; là người trực tiếp theo dõi diễn biến cuộc chuyển dạ, chăm sóc những nhu cầu sinh lý cơ bản cho thai phụ, cảm thông chia sẻ tạo cảm giác an toàn cho thai phụ và cùng giúp thai phụ vượt qua cuộc chuyển dạ một cách toàn vẹn, đồng thời phát hiện những biến chứng, những dấu hiệu bất thường sớm nhất để xử lý kịp thời những tai biến xảy ra cho thai phụ, hạn chế được tử vong; bên cạnh đó họ còn là người chuẩn bị, phụ giúp bác sĩ trong những trường hợp đẻ khó, thủ thuật phức tạp, chăm sóc nhằm duy trì, phục hồi và nâng cao sức khoẻ, phát hiện những biến cố và tư vấn kế hoạch hoá gia đình cho người phụ nữ sau sinh; hướng dẫn sản phụ cho con bú, giúp sản phụ phát hiện những bất thường, theo dõi và chăm sóc trẻ sơ sinh trong thời gian nằm viện.
Trong cộng đồng, người nữ hộ sinh có vai trò quan trọng trong việc tư vấn, giáo dục sức khoẻ, phòng bệnh, không chỉ cho người phụ nữ mà còn trong các gia đình và cộng đồng, chăm sóc liên quan đến sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa hàng năm, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc mãn kinh, công việc này bao gồm giáo dục tiền sản, chuẩn bị các kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho người phụ nữ trước khi làm mẹ. Họ còn được phép làm một số thủ thuật sản khoa thông thường như: Hút điều hoà kinh nguyệt, đặt dụng cụ tránh thai, khám phát hiện viêm nhiễm phụ khoa… vai trò đó đặc biệt quan trọng ở những nơi chưa có bác sĩ. Ở trình độ cử nhân, nữ hộ sinh còn có vai trò là người nghiên cứu và là người lãnh đạo quản lý, phát triển kiến thức cũng như kỹ năng tay nghế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ.
Nữ hộ sinh được trang bị gì khi học nghề này
Khi theo học ngành Hộ sinh, người học được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về y học và chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đặc biệt có kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để có khả năng cung cấp các dịch vụ bảo vệ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hoá gia đình tại cơ sở y tế và cộng đồng, có phẩm chất đạo đức tốt, lương tâm nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm trước sức khoẻ và tính mạng người bệnh, có đủ sức khoẻ, không ngừng học tập để nâng cao trình độ.
Một số tố chất cần có với nghề hộ sinh
– Lòng nhân hậu, thương người, sự cảm thông và chia sẻ
– Khả năng giao tiếp tốt, phong thái cởi mở, biết cách tạo sự tin cậy
– Có khả năng tự tổ chức công việc, tự học, tự nghiên cứu
– Kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ
– Có đôi bàn tay khéo léo, có sức khỏe tốt, đặc biệt có thần kinh vững vàng
– Học tốt môn sinh học, hóa học