Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc tế về điều dưỡng và chăm sóc người bệnh do Hội Điều dưỡng Việt Nam, Trung tâm tư vấn Dịch vụ điều dưỡng, hỗ trợ cộng đồng phối hợp với Hiệp hội Bệnh viện Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội vào chiều 22/7.
Hội thảo nhằm trao đổi và chia sẻ thông tin về tình hình nhân lực điều dưỡng và nhân lực chăm sóc người cao tuổi tại Nhật Bản; trao đổi thông tin về chức năng, nhiệm vụ của điều dưỡng, nhân viên chăm sóc của Nhật Bản và các ứng viên điều dưỡng Việt Nam được mong đợi sẽ thực hiện khi làm việc trong các bệnh viện, nhà dưỡng lão Nhật Bản và chia sẻ về kinh nghiệm phân cấp chăm sóc người bệnh và chăm sóc người bệnh lão khoa có các bệnh mãn tính và chăm sóc cuối đời.
Phát biểu tại hội thảo, ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam là quốc gia đang đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, cứ người 10 người dân có 1 người già (từ 60 tuổi trở lên).
Già hóa dân số song hành với nhu cầu chăm sóc y tế, đặc biệt nhu cầu chăm sóc điều dưỡng. Trong khi nhân lực điều dưỡng hiện đứng trước 3 thách thức là thiếu điều dưỡng; di cư điều dưỡng và thừa nhận văn bằng điều dưỡng lẫn nhau.
Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận khung thừa nhận văn bằng và dịch vụ điều dưỡng nội khối ASEAN và ký Hiệp định đối tác về hợp tác kinh tế với Nhật Bản và Cộng hòa Liên bang Đức trong đó có điều khoản về phái cử điều dưỡng Việt Nam sang lao động, thực tập sinh các nước.
Đến nay, Việt Nam đã phái cử sang Nhật Bản gần 500 ứng cử viên tham gia chương trình thực tập sinh là điều dưỡng có trình độ Cao đẳng và Đại học.
Để thúc đẩy chương trình phái cử điều dưỡng, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, Ngành như Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Nagasaki Nhật Bản, Tổ chức Nhân lực châu Á-AHP Nhật Bản để trao đổi thông tin và nghiên cứu nhu cầu cũng như điều kiện làm việc của Điều dưỡng Việt Nam đang thực tập sinh tại Nhật Bản.
Tại hội thảo, TS. BS Noboru Yamamoto, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hiệp hội bệnh viện Nhật Bản, nơi tiếp nhận các điều dưỡng viên đến từ Việt Nam cho biết, hiện Nhật Bản có 32,7 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 25,75 dân số. Trong 10 năm tới, Nhật Bản cần 700.000 điều dưỡng và nhân viên chăm sóc, trong khi số lượng người Nhật làm trong lĩnh vực này khoảng 300.000 – 400.000 người và thiếu hụt con số tương tự cần phải bổ sung từ nước ngoài, trong đó nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn từ Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề này, hiện Nhật Bản đã đưa chế độ thực tập sinh kỹ năng vào làm việc để bổ sung được nguồn nhân lực còn thiếu, trong khi đó nếu Việt Nam đưa điều dưỡng sang Nhật Bản sẽ thu lại được kỹ năng chăm sóc và đào tạo được nhân viên trong tương lai.
Hiện Nhật Bản là thị trường rộng mở đối với điều dưỡng Việt Nam. Tuy nhiên để trở thành điều dưỡng viên của Nhật Bản, điều dưỡng đã tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng hay Đại học của Việt Nam phải trải qua kỳ thi chứng chỉ quốc gia Nhật Bản mới được công nhận là điều dưỡng./.