Quảng cáo thuốc chữa bệnh và TPCN : Còn nhiều bất cập

Quảng cáo thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tại các điểm công cộng hiện nay còn nhiều bất cập
Sinh viên Khoa Dược đi thực tế tại các nhà Thuốc hoặc làm thêm tại các công ty Dược, chợ thuốc đều rất bối rối khi thấy có quá nhiều loại thuốc, tên thuốc khác nhau dù có cùng chung một thành phần hoạt chất. Nhiều bạn SV còn được giao công việc đi phát tờ rơi hoặc tiếp thị thuốc và TPCN bằng các hình thức quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm gây hoang mang cho người dùng thuốc. Vì vậy, khi học về Dược, các bạn SV cần phải tỉnh táo và nhận thức rõ về Thuốc và vấn đề quảng cáo Thuốc hiện nay.

Hiện nay, việc quảng cáo thuốc chữa bệnh và các loại thực phẩm chức năng (TPCN) giống như thuốc trên các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển một cách khá rầm rộ. Mặc dù đã được cảnh báo là “con dao hai lưỡi” nhưng thuốc vẫn đang được quảng cáo với tần suất khá cao. Đáng lưu ý là các quảng cáo chỉ nêu toàn ưu điểm của thuốc khiến nhiều người coi việc dùng thuốc trở nên quá bình thường, ai cũng có thể mua về tự uống, dùng càng nhiều càng tốt (!).

Tiếp thị giới thiệu thuốc bằng pano, tờ rơi, … rất phổ biến tại các Nhà thuốc.Thuốc chữa bệnh cho người là những hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vì vậy thông tin, quảng cáo thuốc phải trung thực, khách quan, chính xác nhằm hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.

Các show quảng cáo trên truyền hình thường theo một kịch bản giống nhau và nhiều khi rất phản cảm. Điều đáng tiếc là có khá nhiều diễn viên, người mẫu có tên tuổi tham gia quảng cáo. Họ làm quảng cáo theo một mô típ chung là đau đầu, đau bụng, đau đại tràng, ho rũ rượi, hen suyễn, biếng ăn, cảm cúm, đau nhức các khớp xương… Sau một hồi quằn quại, vật vã, nhăn nhó với nhiều dáng vẻ khác nhau, họ cùng uống thuốc rồi cười nói với vẻ mặt hớn hở, mãn nguyện. Sau đó họ cầm hộp thuốc nâng lên ngang mặt, đọc một tràng các công dụng của thuốc cùng với tên hãng dược thuê họ quảng cáo và cuối cùng đều có chung một lời dặn nói rất nhanh là: Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.

Với thuốc y học cổ truyền, việc quảng cáo thuốc có tác dụng chữa bách bệnh, thậm chí cả vô sinh, bệnh mạn tính… xuất hiện ngày càng nhiều. Có công ty dược quảng cáo là thuốc của họ có thể chữa được viêm gan, xơ gan, ung thư gan, uống thuốc sẽ khỏi viêm loét dạ dày, chữa bệnh thiếu máu não, tắc mạch máu não… Nghe theo quảng cáo thì thuốc đông y tài tình quá, có thể chữa được bách bệnh?

Nhiều cơ sở, công ty quảng cáo các sản phẩm thuốc bất chấp những quy định của Bộ Y tế. Tại điều 13 trong “Quy chế thông tin, quảng cáo thuốc” của Bộ Y tế quy định: không được in tên thuốc, nội dung quảng cáo thuốc lên các bao bì để đựng thuốc bán lẻ cho người bệnh, cũng như phân phát những tài liệu thông tin thuốc dùng cho cán bộ y tế cho công chúng… Thế nhưng hiện nay, khắp các nhà thuốc, nơi nào cũng được các hãng thuốc cung cấp miễn phí bao bì đựng thuốc cho người mua, cũng như trên thân các xe buýt còn quảng cáo cho một số thuốc chữa bệnh chạy khắp phố phường, tại trạm chờ xe buýt cũng vậy… Trên một diện tích bé nhỏ như thế thì không thể nào chuyển tải được đầy đủ những thông tin về thuốc, nhất là tác dụng phụ của thuốc, mà người ta chỉ ghi những ưu điểm của thuốc. Một cán bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo dược phẩm tại sở y tế đã cho biết: chính họ cũng không thể nào theo dõi hết tất cả những hình thức quảng cáo sản phẩm thuốc bằng nhiều phương tiện truyền thông đa dạng mỗi ngày. Vì vậy quản lý quảng cáo và nội dung quảng cáo thuốc chữa bệnh vẫn còn nhiều bất cập.

Thực tế, các quy định về thông tin quảng cáo, ghi nhãn hàng hóa đã được ban hành. Riêng đối với quảng cáo thuốc chữa bệnh cũng đã có nhiều văn bản quy định cụ thể. Theo đó, quy chế xử phạt cũng đã được quy định rõ. Tuy nhiên, chế tài xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Xem trên báo chí và truyền hình cho thấy các vi phạm chủ yếu khi quảng cáo thuốc và TPCN là: quảng cáo không đúng với hồ sơ đăng ký, sử dụng lợi ích vật chất để thúc đẩy sử dụng thuốc… Trong đó, có rất nhiều vụ vi phạm quy chế thông tin quảng cáo thuốc mà cơ quan quản lý không thể biết do lực lượng mỏng, địa bàn rộng. Chính vì vậy, các hãng thuốc đã dùng các thủ thuật kinh doanh, quảng cáo tiếp thị thuốc bằng các hình thức tài trợ, khuyến mãi, tặng thuốc, phát tờ rơi, trích hoa hồng cho bác sĩ… khiến cho việc sử dụng thuốc nhiều nơi đã rơi vào tình trạng chạy theo quảng cáo, chạy theo lợi nhuận chứ không phải vì mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Kết cục là chỉ có người bệnh đã đau khổ vì bệnh tật còn phải gánh thêm chi phí quảng cáo nhiều khi chiếm đến gần 50% giá trị của mỗi đơn vị thuốc.

Điều nguy hiểm hơn nữa là có tới 60% sốc phản vệ là do người dân tự xem quảng cáo rồi mua thuốc điều trị. Quảng cáo thuốc đang dần trở thành nguy cơ đối với người tiêu dùng.

Ở các nước tiên tiến, việc quảng cáo thuốc chữa bệnh cực kỳ khắt khe vì nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng của toàn thể người dân. Việc quảng cáo sai không chỉ công ty dược phải bồi thường mà cơ quan truyền thông cũng phải chịu trách nhiệm. Về nguyên tắc, quảng cáo phải nêu cả ưu điểm và tác dụng phụ của thuốc, nhưng nhà sản xuất, kinh doanh thường nhấn mạnh về ưu điểm và đưa thông tin về tác dụng phụ rất mờ nhạt. Thậm chí, họ còn sử dụng những thuật ngữ y học để người dân không thể hiểu hết các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Tình trạng quảng cáo thuốc chữa bệnh cho người bán theo đơn (bán lẻ tại các nhà thuốc) vẫn rất phổ biến. Thậm chí các thuốc chưa được cấp đăng ký hoặc hết hạn đăng ký, thuốc đã bị loại ra khỏi danh mục hoặc bị đình chỉ lưu hành vẫn trôi nổi trên thị trường.

Việc lập lại trật tự và quản lý chặt chẽ các show quảng cáo thuốc chữa bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng thực ra mới là bề nổi của tảng băng. Bởi vì chính các chương trình khuyến mãi, quảng cáo thuốc là một trong những nguyên nhân khiến cho mục tiêu dùng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả và kinh tế cho người bệnh nhiều khi chỉ là hình thức.

ThS Lê Quốc Thịnh – Giảng viên Khoa Dược HMC Mỹ Đình

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *