Bộ GD&ĐT lý giải vì sao kỳ thi THPT chủ yếu xét tốt nghiệp

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay mục đích của kỳ thi THPT năm nay là lấy kết quả công nhận tốt nghiệp. Trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.

quyết tâm thi đỗ điểm cao kỳ thi thpt quốc gia
Quyết tâm thi đỗ điểm cao kỳ thi thpt quốc gia năm 2020

Ngày 22/4, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin năm nay, bộ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào cuối tháng 8. Mục đích chính của kỳ thi này là xét tốt nghiệp THPT.

Không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm

– Theo phương án được đưa ra tại cuộc họp ngày 21/4, kỳ thi năm nay có được gọi là THPT quốc gia nữa không? Mục đích của kỳ thi năm nay là gì?

– Do bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, kế hoạch năm học 2019-2020 đã phải điều chỉnh. Bộ GD&ĐT tinh giản chương trình học kỳ 2, dạy học qua truyền hình.

Vì dịch bệnh, thi THPT sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8. Thời điểm này, cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học đã có hiệu lực thi hành. Do vậy, Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là tổ chức an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường.

Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường đại học, cao đẳng sử dụng theo tinh thần tự chủ tuyển sinh.

– Các bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ như thế nào, thưa thứ trưởng?

– Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.

Trong đó, bài thi Khoa học Tự nhiên gồm tổ hợp của 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Bài thi Khoa học Xã hội gồm 3 môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục Công dân. Đối với thí sinh GDTX gồm tổ hợp của 2 môn Lịch sử, Địa lý.

Thí sinh THPT phải thi 3 bài bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng.

Thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm. Kết quả làm bài của thí sinh trên phiếu được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GD&ĐT cung cấp. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

– Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về đề thi năm nay?

– Để đảm bảo tính khách quan, công bằng và mặt bằng chung trong đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi tốt nghiệp cùng thời điểm trong cả nước. Với bài thi trắc nghiệm, thí sinh trong mỗi phòng thi sẽ có mã đề riêng.

Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Đề thi phù hợp nội dung tinh giản chương, dễ hơn, độ phân hóa sẽ giảm đi so với các năm trước.

Việc sử dụng bài thi bắt buộc và các bài thi tổ hợp hướng đến đánh giá toàn diện học sinh, hạn chế học lệch, học tủ. Việc vẫn tổ chức thi 3 môn bắt buộc và một bài thi tổ hợp tự chọn cũng là cách để giúp thí sinh tập trung thi những môn học đã được dành thời gian ôn tập kỹ.

Mặt khác, sử dụng đề thi chung là phù hợp việc sử dụng chung mẫu bằng tốt nghiệp THPT có tính quốc gia cho các thí sinh. Việc này tạo thuận lợi trong hội nhập quốc tế, nhất là trong việc học sinh du học nước ngoài.

Duy trì thi tốt nghiệp thực hiện theo luật

– Kết quả tốt nghiệp THPT nhiều năm đạt gần 100%. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, vì sao vẫn tổ chức kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT?

– Việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện đúng theo Luật Giáo dục sửa đổi. Đặc biệt, việc tổ chức kỳ thi để chúng ta đánh giá mặt bằng chung của giáo dục phổ thông toàn quốc.

Việc đánh giá kết quả dạy và học qua kỳ thi tốt nghiệp THPT là đáng tin cậy để chúng ta điều chỉnh chương trình cho phù hợp, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kỳ thi tổ chức với phương thức như đã nói cũng là cơ sở để giảm bớt tính cục bộ giữa các địa phương. Kỳ thi làm căn cứ để chúng ta phân loại, đánh giá chất lượng dạy, học giữa các trường trong từng địa phương và giữa các địa phương với nhau.

Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi cuối cùng ở bậc phổ thông. Việc tổ chức để đánh giá chất lượng của giáo dục phổ thông là cần thiết, tạo động lực học tập tích cực cho học sinh.

Nếu không thi, một bộ phận học sinh sẽ không học hoặc học không tích cực. Vì vậy, việc này duy trì nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục.

– Dư luận vẫn băn khoăn về những gian lận có thể xảy ra khi địa phương chủ trì kỳ thi THPT. Bộ GD&ĐT đã tính đến những giải pháp nào để đảm bảo an toàn, khách quan?

– Tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng là yêu cầu đầu tiên, cao nhất. Bộ GD&ĐT cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trước hết, việc giao quyền tổ chức kỳ thi về cho địa phương phải gắn liền tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cũng như trách nhiệm của người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi.

Cùng đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, xây dựng những giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lượng, tính trung thực của kỳ thi. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. Thiết bị giám sát và công nghệ thông tin quản lý chặt chẽ đề thi, bài thi được thiết lập.

Các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy, bằng phần mềm chung của bộ, có sự giám sát của hệ thống camera trên cơ sở phát huy hiệu quả của quy trình chấm thi năm 2019.

Đặc biệt, năm nay, các tỉnh phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử. Bộ GD&ĐT sẽ lấy đó làm căn cứ đối sánh kết quả thi.

Cuối cùng, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi, cùng đó là các chế tài nghiêm khắc để xử lý các gian lận nếu có.

Theo Zing

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *