2020 là năm ghi dấu của ngành y tế thế giới và đặc biệt là Việt Nam khi đại dịch Covid-19 bùng nổ toàn cầu. Từ đây, sẽ có sự đổi thay mạnh mẽ về quan điểm cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho khối ngành y tế sức khỏe.
Ngành y dược được coi trọng hơn, ap dụng công nghệ nhiều hơn và lưu ý đào tạo các ngành dự phòng, y tế công cộng, xét nghiệm là những điểm thay đổi chính yếu.
Tăng ứng dụng công nghệ
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Q.2 (TP.HCM), cho rằng thời đại 4.0, ứng dụng công nghệ là lộ trình ngành y phải hướng tới, dù có xảy ra dịch bệnh hay không. Nhưng dịch Covid-19 này sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa ứng dụng 4.0 từ quản lý, điều hành cũng như giao dịch của các bệnh viện.
Theo bác sĩ Khanh, các bệnh viện đang tích cực áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong môi trường đông người như: máy quét nhiệt độ, vòng đeo tay để bác sĩ nắm được số phòng và tất cả thông tin của bệnh nhân. Nhiều bệnh viện cũng áp dụng một số robot thay cho lao công, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Bệnh án điện tử cũng đang dần thay thế cho bệnh án bằng giấy đang sử dụng lâu nay để hạn chế lây lan, tiếp xúc gần. Thanh toán viện phí cũng dần không dùng tiền mặt mà thông qua chuyển khoản, cà thẻ. Tiến trình kỹ thuật số tại các bệnh viện đang được thúc đẩy nhanh hơn.
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, dịch bệnh xảy ra cũng là cơ hội cho y khoa tiến đến một tương lai mới. Đó là phát triển robot trong quá trình phục vụ, giao thuốc bằng băng chuyền, dùng phần mềm hô hấp nhân tạo tim… Rộng hơn là áp dụng công nghệ trong hệ thống khám chữa bệnh, cảnh báo, phòng ngừa lây nhiễm bằng trí tuệ nhân tạo.
“Với sự thay đổi đó, chính trường ĐH phải là nơi tiên phong. Sinh viên học khối ngành sức khỏe trong thời đại này phải đặt mình vào yếu tố toàn cầu hóa, tính quốc tế. Chẳng hạn, dịch bệnh Covid-19 hiện nay đã lan rộng toàn thế giới. Người học phải nắm kỹ năng cơ bản để hội nhập, có ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ. Yếu tố quốc tế vì thế sẽ rộng hơn so với học kiến thức truyền thống của thời kỳ trước”, tiến sĩ Hải chia sẻ.
Lưu ý đào tạo y học dự phòng, y tế công cộng
Cũng theo BS Trần Văn Khanh, qua mùa dịch này, còn một vấn đề khác cần lưu ý. Đó là việc phát triển nhân lực cho y học dự phòng, y tế công cộng, y điều dưỡng.
Tham khảo chỉ tiêu đào tạo y học dự phòng, y tế công cộng năm 2019
Ngành y học dự phòng các trường ĐH: Y Hà Nội: 80 chỉ tiêu, Y Dược TP.HCM: 114, Y Dược Huế: 60, Y Dược Cần Thơ: 90, Y Dược Thái Nguyên: 50, Y khoa Vinh: 50, Y Dược Hải Phòng: 80, ĐH Nguyễn Tất Thành: 150.
Ngành y tế công cộng các trường ĐH: Y Hà Nội: 50, Y Dược TP.HCM: 85, Y Huế: 50, Y khoa Phạm Ngọc Thạch: 50, Y Dược Cần Thơ: 30, Y tế công cộng: 140.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta càng thấy rằng nhiều ngành khác trong khối ngành sức khỏe cũng không kém phần quan trọng so với y đa khoa, dược mà thí sinh thường chú trọng. Đó là các ngành y tế công cộng, y học dự phòng. Các trường cũng sẽ chú tâm đào tạo các ngành này hơn. Dịch Covid-19 lần này càng cho chúng ta thấy rằng những ngành như công nghệ sinh học cực kỳ quan trọng nhưng đang khan hiếm người học, người làm. Những trung tâm nghiên cứu sinh học của quốc gia trong đợt dịch như vậy cực kỳ cần thiết nhưng hiện nay ở nước ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
TS-BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng chia sẻ việc quản lý sức khỏe, phòng bệnh cần được quan tâm nhiều hơn. Nhà nước nên có chính sách ưu tiên để phát triển y học dự phòng, y học gia đình và y tế công cộng. Việc này sẽ giúp cho phòng dịch, phòng bệnh tốt ngay từ trong cộng đồng.
Ngành y đòi hỏi sự dấn thân
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng cho rằng dù sự nguy hiểm, vất vả của bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế cộng đồng… đợt này rất rõ ràng nhưng các ngành y đa khoa, y tế dự phòng, điều dưỡng… sẽ không vì thế mà bớt hấp dẫn. Đây là những ngành lâu nay vẫn luôn tiếp xúc với nhiều loại người bệnh, trong đó có cả các khoa bệnh nhiệt đới, khoa lây…
“Qua đợt dịch Covid-19 này, thí sinh càng có cơ hội đánh giá lại mình có đam mê các ngành học đòi hỏi sự dấn thân hay không. Trước đây, ít có dịch bệnh lớn, lây lan nhiều như lần này nên sinh viên chưa hình dung được. Hiện nay, thực tế của dịch bệnh Covid-19 là một “phép thử” khi học sinh chọn học khối ngành sức khỏe. Biết khó khăn nhưng vẫn quyết tâm chọn học mới là khởi đầu thành công với nghề nghiệp sau này. Đó là sự kiểm chứng cho thái độ người học với ngành nghề tương lai, một tiêu chí rất quan trọng trong việc đánh giá năng lực con người”, tiến sĩ Hải chia sẻ.
Tăng nhu cầu bác sĩ ở địa phương, bác sĩ dự phòng, nhân viên y tế công cộng
Ngay trước khi dịch Covid-19 xảy ra, cuối năm 2019, trong bài viết đăng tải trên trang web của Sở Y tế TP.Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc sở này, cho biết hiện nay tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của chúng ta là 8,6 (2018), ít hơn 4 – 8 lần so với nhiều nước có ngành y phát triển (ở Úc, tỷ lệ này là 48,3; Cuba 67,2; Argentina 38,6; Nga 43… Tình trạng thiếu hụt điều dưỡng cũng đang xảy ra nghiêm trọng với 1,8 điều dưỡng/bác sĩ, đa số có trình độ trung học (66,9%). Trong khi đó, yêu cầu tối thiểu phải là 3 – 3,5 điều dưỡng/bác sĩ… Cũng theo bà Yến, lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở ngày càng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ bác sĩ. Nguồn nhân lực của hệ thống này chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng để có thể triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm mà chúng ta đang phải đối mặt.
Trước xu thế thế đó Trường Cao đẳng Y Hà Nội dự kiến mở rộng mã ngành Y tế dự phòng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm… nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong ngành tại Việt Nam và thế giới.
Hiện nay, khi dịch Covid-19 lan rộng, một số trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tại các tỉnh đều có nhu cầu tuyển dụng bác sĩ. Chẳng hạn, ngày 3.3, CDC Long An thông báo tuyển dụng 21 vị trí, bao gồm bác sĩ y đa khoa, bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng… CDC Cần Thơ cũng công bố tuyển dụng 14 chỉ tiêu, trong đó nhiều nhất là bác sĩ y học dự phòng.