Câu hỏi về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoVid-19

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì việc nắm chính xác các thông tin về bệnh như cơ chế lây truyền, cách phòng tránh… chính là cách đơn giản nhất để mỗi người dân góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Dưới đây là một số câu hỏi về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoVid-19, mời các bạn cùng tham khảo. Bài viết tổng hợp từ trang tin chính thức của Bộ y tế và ý kiến các chuyên gia y tế.

corona
Sốt, ho khan và khó thở là triệu chứng thường gặp nhất của virus Ncov

Virus nCoV là gì?

Hay còn gọi là coronavirus, một loại virus đường hô hấp mới, gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Đây là chủng virus mới chưa được xác định trước đó. Cùng với nCoV, đã có 6 chủng coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.

Thời gian ủ bệnh do virus nCoV là bao lâu?

Thời gian ủ bệnh được hiểu là khoảng thời gian từ khi bị lây nhiễm virus cho tới khi khởi phát các triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh viêm phổi cấp ước tính trong khoảng 14 ngày. Thậm chí đã có những ca bệnh được phát hiện nghi có thời gian ủ bệnh gần 1 tháng.

Các triệu chứng khi nhiễm virus nCoV là gì?

Các triệu chứng của bệnh nhân mắc nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển, thậm chí tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Virus nCoV có tồn tại ở bề mặt đồ dùng không? Nếu có thì tồn tại trong bao lâu?

Virus nCoV có tồn tại ở bề mặt đồ dùng. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ 2019-nCoV có khả năng sống trên bề mặt trong bao lâu. Mặc dù thông tin ban đầu gợi ý rằng virus có thể sống vài giờ trên bề mặt.

Gần đây các chuyên gia y tế Trung Quốc cho biết đã tìm thấy sự hiện diện của virus nCovid trên nắm cầm tay cửa nhà của một bệnh nhân nhiễm virus này.

Nguy cơ khi mắc 2019-nCoV ở những người khác nhau có khác nhau không?

Thông thường trẻ nhỏ, người già và những người đang bị bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, bệnh gan và bệnh hô hấp sẽ có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn người khác.

Virus nCoV lây lan như thế nào?

Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục.

Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Một số cơ chế lây bệnh của virus Ncovid
Một số cơ chế lây bệnh của virus Ncovid được nghiên cứu

Sự khác biệt giữa nhiễm nCoV, cúm hoặc cảm lạnh là gì?

Người nhiễm 2019-nCoV, cúm hoặc cảm lạnh thường có các triệu chứng hô hấp như sốt, ho và sổ mũi. Mặc dù nhiều triệu chứng là giống nhau nhưng nguyên nhân gây bệnh lại là các virus khác nhau. Do vậy, rất khó xác định bệnh nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Đó là lý do tại sao cần xét nghiệm để xác định người nhiễm 2019-nCoV.
WHO khuyến cáo những người bị ho, sốt và khó thở nên đi khám sớm. Bệnh nhân nên thông báo cho nhân viên y tế nếu họ đã đi du lịch trong 14 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng hoặc đã tiếp xúc gần với người bệnh có các triệu chứng đường hô hấp.

biểu hiện nhiễm ncovi
Người nghi nhiễm 2019-nCoV, cúm hoặc cảm lạnh thường có các triệu chứng hô hấp như sốt, ho và sổ mũi (minh họa)

Kháng sinh có hiệu quả trong việc dự phòng và điều trị nCoV không?

Kháng sinh không có tác dụng diệt virus và chỉ có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Chủng mới của virus corona là virus. Do đó không sử dụng kháng sinh như một biện pháp dự phòng hoặc điều trị.

Virus có lây truyền trong không khí hay không?

Có 2 con đường lây lan virus này bao gồm: Một là giọt bắn, bắn trực tiếp từ người bệnh sang người tiếp xúc. Khả năng lây lan phụ thuộc vào việc giọt bắn đi tới đâu, ở đây khoảng cách khoảng 2 mét. Trên 2 mét thì bạn có thể tránh được. Loại thứ hai là khí dung. Kích thước và trọng lượng của một số loại virus rất nhẹ. Nó có thể lơ lửng trong không khí khi mình ho, có thể bị gió thổi bay từ chỗ này sang chỗ khác. Do đó khả năng lây nhiễm bệnh xa hơn, bán kính rộng lớn hơn. Chúng ta cần hiểu rõ hai loại này.

Như vậy virus không lây truyền trong không khí, virus này không đủ nhẹ để bay. Chỉ khi nào giọt bắn tiếp xúc trực tiếp với bạn thì mới có khả năng. Điều này cũng giải thích cho chuyện vì sao mang khẩu trang thông thường cũng có thể ngăn ngừa được virus. Vì khẩu trang có thể cản được giọt bắn.

virus-corona-nCovid19

Đã có loại thuốc đặc hiệu để phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gây ra chưa?

Tính đến ngày 26/2/2020, mặc dù đã có hơn 24.000 trường hợp khỏi bệnh, nhưng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Theo Bộ Y tế, các cơ sở y tế tập trung điều trị triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác.

Đối với những trường hợp dương tính với virus corona sẽ được kiểm soát tình trạng suy hô hấp và hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ chức năng các cơ quan. Ngoài ra, bệnh nhân được dùng thuốc giảm ho, hạ sốt, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, tăng cường sức đề kháng và điều trị bệnh nền nếu có. Việc giám sát và cách ly người nghi nhiễm nCoV cũng là vấn đề quan trọng cấp thiết hiện nay.

Cách phòng tránh bệnh virus corona là gì?

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau:

– Cần che mũi và miệng khi ho, xì mũi bằng khăn/giấy dùng 1 lần

– Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng

– Tránh tiếp xúc bất kỳ ai có dấu hiệu/triệu chứng cảm lạnh hoặc triệu chứng như cúm

– Nên hạn chế đi ra ngoài, hạn chế đám đông, bớt đi lễ hội, chùa chiền

– Ăn uống điều độ, uống nhiều nước, vận động đều đặn

– Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, hạn chế ngồi phòng máy lạnh

– Nhà cửa giữ sạch sẽ, thông thoáng, có ánh nắng càng tốt

– Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị phù hợp.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *