AFP – Phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 12-1, người đứng đầu WHO cho biết biến thể Omicron rất nguy hiểm, nhất là đối với những người chưa được tiêm vắc xin phòng chống COVID-19.
Nhận định của WHO
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/1 cảnh báo Omicron rất nguy hiểm với những người chưa tiêm vaccine, Covid-19 chưa phải bệnh theo mùa như cảm cúm.
Theo dó, WHO cũng nhận định số ca nhiễm toàn cầu hiện gia tăng là do Omicron dễ lây truyền hơn biến chủng Delta. Tuần trước, tổ chức ghi nhận hơn 15 triệu ca nhiễm mới. Song con số thực tế có thể lớn hơn.
Dù vậy, WHO cho rằng thế giới không nên đầu hàng trước biến chủng. Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus bác bỏ quan điểm Omicron là lối thoát đối với đại dịch.
Ông Tedros nói: “Dù Omicron gây ra ít ca nhiễm nghiêm trọng hơn, nó vẫn là loại virus nguy hiểm, đặc biệt với những người chưa tiêm chủng. Chúng ta không được phép vẫy cờ trắng trước virus, nhất là khi nhiều người chưa nhận được vaccine”.
Theo ông, vaccine hiệu quả ngăn tình trạng chuyển nặng và tử vong, song chúng không thể phòng ngừa hoàn toàn sự lây nhiễm. Ông cho biết phần lớn ca nhập viện đều là người chưa tiêm phòng.
“Nhiều ca nhiễm đồng nghĩa với nhiều ca nhập viện và tử vong, nhiều người nghỉ việc hơn, trong đó có giáo viên, nhân viên y tế. Đó cũng là cơ hội để biến chủng khác, nguy hiểm hơn Omicron xuất hiện”, ông Tedros cho hay.
Người đứng đầu WHO nói số người chết vì Covid-19 trên toàn thế giới hiện ở mức khoảng 50.000 mỗi tuần và nhấn mạnh sống chung nCoV không đồng nghĩa với việc chấp nhận hoặc thỏa hiệp với số ca tử vong này.
Theo mục tiêu ban đầu của WHO, các nước cần tiêm chủng cho 10% dân số vào cuối tháng 9/2021, 40% vào cuối tháng 12 và 70% vào giữa năm 2022. Dù vậy, 90% các quốc gia chưa đạt tới mốc 40%.
Tiến sĩ Tedros chỉ ra rằng hơn 85% dân số châu Phi vẫn chưa tiêm liều vaccine nào. Ông nhận định thế giới không thể kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch nếu không thu hẹp khoảng cách này.
Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, cho rằng các nước giàu đã khiến chương trình tiêm chủng ở các quốc gia thu nhập thấp khó khăn hơn gấp ba lần vì dự trữ nguồn cung.
WHO cho biết Omicron đã được ghi nhận tại 149 quốc gia, tính đến 6/1. Một số người hy vọng lợi thế lây truyền sẽ giúp nó đẩy lùi các biến chủng nghiêm trọng hơn. Từ đó, Covid-19 chuyển từ đại dịch thành bệnh đặc hữu theo mùa, dễ kiểm soát.
Tuy nhiên, Michael Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết: “Đây không phải lúc để tuyên bố virus là tin mừng”.
Theo Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO, rất khó để dự đoán về kịch bản đại dịch trong tương lai, Omicron có thể không phải biến chủng đáng lo ngại cuối cùng.
Bà nói: “Chúng tôi phỏng đoán virus sẽ tiếp tục phát triển và thích nghi với môi trường. Các đợt lây nhiễm sẽ bùng lên ở những nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp. Virus đang trong quá trình trở thành đặc hữu, nhưng giờ thì chưa”.
Trước đó, vào tháng 12/2021, bà Van Kerkhove nói thế giới có “đủ công cụ” để thắng Covid-19 trong năm 2022, đó là vaccine.
Song để viễn cảnh này thành hiện thực, tổ chức WHO khuyến khích các nước hành động nhanh chóng nhằm thu hẹp khoảng cách vaccine, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất thực hiện tốt cam kết phân phối, không trì hoãn thêm.
(Thông tin tổng hợp bởi Trường Cao đẳng Y Hà Nội)