Học Điều dưỡng khó không là băn khoăn lo lắng của nhiều thí sinh khi có ấn tượng với hình ảnh các y bác sĩ tại bệnh viện hay được gia đình định hướng cho theo học chuyên ngành này. Nếu bạn cũng đang có chung sự quan tâm này thì cùng tìm hiểu nhé!
Những đặc trưng cơ bản của nghề Điều dưỡng
Là một ngành nghề chủ chốt trong khối ngành Y Dược, Điều dưỡng ngày càng khẳng định được vai trò trong hệ thống y tế. Và hơn ai hết, những người Điều dưỡng viên cần hiểu chính xác, chân thật nhất những đặc trưng cơ bản của nghề nghiệp, từ đó thích nghi, tích cực học hỏi, rèn luyện để nâng cao năng lực làm nghề. Đó là một số đặc trưng sau:
Thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân
Tại mỗi bệnh viện hay trung tâm y tế, Điều dưỡng là cán bộ y tế có tần suất tiếp xúc với bệnh nhân cao nhất. Tùy vào mỗi vị trí, khoa bệnh, người điều dưỡng viên sẽ đảm nhiệm những vai trò cụ thể riêng biệt như: Chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, bé sơ sinh,…
Trực tiếp thực hiện các thủ thuật tiêm tiêm truyền
Với bệnh nhân điều trị nội trú, tất cả cả thủ thuật tiêm, truyền, hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh giường bệnh đúng cách đều do người Điều dưỡng viên trực tiếp thực hiện. Điều này yêu cầu người làm nghề Điều dưỡng cần có sự tỉ mỉ, khéo léo, cùng tình yêu nghề và sự nghiêm túc trong công việc.
Là vị trí cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân
Trong quá trình thăm khám, điều trị, bác sĩ sẽ có những chỉ định sử dụng thuốc, thủ thuật, tiểu phẫu, phẫu thuật,… Và Điều dưỡng viên sẽ những người làm vị trí cầu nối, hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục nhập viện, vệ sinh, ăn uống trước phẫu thuật, hay hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc đúng cách.
Yêu cầu trực đêm và tình trạng tăng ca thường xuyên diễn ra
Ở các bệnh viện công, mỗi khoa bệnh một đêm cần tối thiểu 01 điều dưỡng viên trực để hỗ trợ các vấn đề cho người bệnh. Thường mỗi cán bộ Điều dưỡng cần trực 1 – 2 đêm/tuần và tăng ca thêm khi có số lượng bệnh nhân nhập viện cao hơn mức phổ biến.
Một số nội dung đào tạo ngành học Điều dưỡng
Để đáp ứng những yêu cầu công việc ngành Điều dưỡng tại các bệnh viện, phòng khám, viện dưỡng lão,… các trường đại học, cao đẳng triển khai đào tạo chuyên ngành học cùng tên với một số nội dung kiến thức chủ đạo:
- Khối kiến thức cơ sở ngành: Sinh học và di truyền; Hóa sinh; Hóa học đại cương; Vật lý và Lý sinh; Giải phẫu; Sinh lý học; Vi sinh vật; Ký sinh trùng; Sinh lý bệnh – miễn dịch; Dược lý học; Dinh dưỡng – vệ sinh an toàn thực phẩm; Sức khỏe sinh sản; Dịch tễ học; Sức khỏe môi trường; Tổ chức y tế và các chương trình y tế; Tâm lý Y học – Đạo đức y học.
- Khối kiến thức chuyên ngành: Điều dưỡng cơ sở 1 và 2; Nội bệnh lý; Ngoại lý bệnh; Chăm sóc sức khỏe người bệnh thuộc các đối tượng: Người bệnh nội – ngoại khoa; trẻ em; phụ nữ – bà mẹ và gia đình, người bệnh truyền nhiễm, người cần phục hồi chức năng; Nhi bệnh lý, Sản bệnh lý; Điều dưỡng cấp cứu hồi sức; Quản lý điều dưỡng; Y học cổ truyền.
- Kiến thức bổ trợ (tự chọn): Giáo dục sức khỏe và kỹ năng giao tiếp; Điều dưỡng chuyên hệ nội; Điều dưỡng chuyên hệ ngoại.
- Thực hành – Thực tập: Thực tập điều dưỡng tại cộng đồng; Thực tập điều dưỡng tại cơ sở y tế; Đồ án tốt nghiệp.
Học Điều dưỡng có khó không?
Học Điều dưỡng có khó không? – Câu trả lời là Có. Bởi trực tiếp chăm sóc sức khỏe con người chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Ngoài kiến thức chuyên môn, bạn còn cần sự khéo léo trong từng thao tác nghề nghiệp và có “nghệ thuật” để tương tác tốt với bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc học ngành Điều dưỡng sẽ trở nên “dễ thở” hơn khi các bạn sinh viên nuôi dưỡng đủ tình yêu với việc khám phá cơ thể người, hay yêu thích các kỹ thuật tiêm – truyền và thực sự có mong muốn được thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân.
Để quá trình học Điều dưỡng có kết quả, hay nói cách khác là đủ điều kiện tốt nghiệp, thành nghề, các Điều dưỡng viên tương lai cần học tập nghiêm túc với đầy đủ các yêu cầu:
- Nắm chắc kiến thức mọi môn học cơ sở ngành
- Tham gia đầy đủ các buổi học thực hành
- Làm – nộp bài tập cá nhân và bài tập nhóm theo đúng hướng dẫn của giảng viên
- Tận dụng cơ hội thực tập sớm (nếu tự liên hệ được hoặc được thầy cô giới thiệu)
- Thực tập chính khóa theo lộ trình học nghiêm túc để có được những kinh nghiệm thực tế hữu ích nhất (thay vì chỉ quan trọng con dấu xác nhận).
Bài viết trên đây của chúng tôi chắc hẳn đã giúp các bạn hình dung sơ bộ về nghề Điều dưỡng và việc học Điều dưỡng khó hay không. Nếu bạn thực sự có đam mê và quyết tâm theo đuổi ngành nghề này thì đừng ngại đăng ký xét tuyển và quyết tâm học tập. Bởi ngành Y luôn mở rộng cánh cửa để chào đón những Điều dưỡng viên trẻ trung, tâm huyết, trách nhiệm với nghề.