Những lời khuyên dành cho sinh viên sắp tốt nghiệp

Những lời khuyên dành cho sinh viên sắp tốt nghiệp

Khi thời gian của học kỳ cuối sắp kết thúc, bạn chuẩn bị nhận được kết quả ghi nhận cho những năm tháng miệt mài học tập của mình thì cũng là lúc bạn sắp bước sang thời kỳ cọ xát thực tế và tự lập hoàn toàn. Đây cũng là lúc bạn nên bắt đầu chuẩn bị cho mình một bản CV hoàn hảo và tránh phạm phải những điều sau đây để  tìm kiếm được công việc đầu tiên thuận lợi, nhanh chóng hơn sau khi tốt nghiệp.

1. Không nên đợi đến khi tốt nghiệp mới bắt đầu tìm việc

Nhiều sinh viên chờ đến khi nhận được tấm bằng tốt nghiệp mới bắt đầu tìm kiếm công việc để cố tận hưởng những ngày tháng sinh viên cuối cùng. Tuy nhiên, đây không phải là ý kiến hay. Bạn có thể mất vài tháng để tìm được một công việc phù hợp. Hơn nữa, kéo dài thời gian thất nghiệp, chờ việc ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và các kỹ năng làm việc của bạn. Khi còn là sinh viên, bạn có rất nhiều cách để tìm việc và rèn luyện cho nghề nghiệp của mình. Theo thời gian, nếu bạn đã tích lũy được một số kinh nghiệm khi còn ngồi trên giảng đường, bạn sẽ có nhiều cơ hội để tìm thấy công việc tốt hơn khi ra trường.

2. Không nên tìm việc tràn lan

Chắc chắn, khi bắt đầu ứng tuyển, bạn sẽ tìm cho mình nhiều lựa chọn, nhưng điều đó không có nghĩa là gửi sơ yếu lý lịch của bạn đến mọi công việc, rải hồ sơ đến hàng trăm công ty. Việc này sẽ khiến bạn không tập trung và khi được nhận vào làm, có thể bạn sẽ không cảm thấy phù hợp với công việc này và sớm từ bỏ nó theo kiểu “đứng núi này trông núi nọ”. Một khi đã ứng tuyển, hãy chắc chắn về việc thiết kế riêng từng CV cho mỗi công việc cụ thể và cẩn thận để tránh những sai sót không đáng có.

3. Tìm việc trên mạng không phải là tối ưu

Ngoài internet, bạn vẫn nên tìm kiếm công việc qua nhiều cách khác nhau như áp phích, tờ rơi, hay mối quan hệ của bạn. Thường có rất nhiều ứng viên tham gia ứng tuyển các công việc trên mạng, nên bạn rất khó để trở nên nổi bật. Hơn nữa, CV của bạn sẽ có khả năng đi qua một hệ thống lọc tự động và có nhiều trường hợp CV của bạn không đến được với người tuyển dụng. Nếu bạn không chắc chắn về công việc tại công ty nào đó, hãy dành thời gian để đọc hiểu trước khi bắt đầu ứng tuyển. Những điều tìm hiểu được sẽ giúp bạn soạn ra một bản CV phù hợp hơn và dễ dàng vượt qua vòng hồ sơ hơn.

4. Đừng so sánh mình với những người khác

Bạn sẽ rất dễ bị stress khi thấy ngoại trừ mình thì tất cả mọi người đều dễ dàng tìm kiếm được công việc tốt và phù hợp. Nhưng bạn đã quên rằng mỗi người đều có những mục tiêu, ước mơ và những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Đừng lo lắng quá nhiều về những gì bạn bè của bạn đang làm hoặc nhận được mà chỉ cần tập trung vào những gì bạn đang làm thôi.

5. Không nên đi phỏng vấn mà không chuẩn bị

Nếu bạn được gọi phỏng vấn, điều đó có nghĩa là bạn đã nộp đơn xin việc cẩn thận và kỹ lưỡng. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn được chủ quan ở vòng này. Ứng viên cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc phỏng vấn bằng cách nghiên cứu về công ty, về nhân sự, khi gặp người phỏng vấn hãy mang đủ hồ sơ và ăn mặc chỉn chu. Nhờ internet, bạn có rất nhiều tài liệu trong tầm tay và sẽ giúp bạn bước vào cuộc phỏng vấn bằng sự tự tin và sẵn sàng.

6. Không nên đặt yêu cầu quá cao cho bản thân

Tìm việc làm là nhiệm vụ không dễ dàng, cho dù bạn đang tìm việc lần đầu tiên hay lần thứ 50. Đây có thể là một quá trình căng thẳng và chán nản, nhưng điều tốt nhất bạn có thể làm là giữ tinh thần. Công việc đầu tiên của bạn có thể sẽ không được như mơ ước của bạn nhưng may mắn thay, bạn không cần thiết phải gắn bó với một công việc trong suốt phần đời còn lại. Nhảy việc cũng có mặt tích cực của nó, bao gồm làm việc với nhiều người khác nhau, mở rộng các kỹ năng của bạn, và tìm ra công việc phù hợp với bạn.

7. Xây dựng kỹ năng và kinh nghiệm thực tế

Thay vì chỉ tập trung vào việc có được bằng cấp, hãy tích cực tham gia các hoạt động như thực tập, dự án nhóm và các công việc bán thời gian. Điều này sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng mềm thiết yếu như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian và giải quyết vấn đề.

8. Chú ý đến sức khỏe và sự cân bằng cuộc sống

Đừng bỏ qua việc nghỉ ngơi, ăn uống và luyện tập. Duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn có năng lượng và tâm thế tích cực để khởi đầu sự nghiệp.

Hãy tin tưởng vào bản thân và tận hưởng hành trình khởi đầu sự nghiệp của mình. Chúc bạn thành công!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *