Quy định tiêu chuẩn và quy chế kê đơn thuốc trong điều trị và vai trò Dược sĩ

Hiện nay trong chương trình đào tạo Dược sĩ Cao Đẳng tại HMC, các bạn SV Khoa Dược được học kỹ về các kỹ năng trong thực hành Công tác Dược lâm sàng tại các cơ sở Y tế có giường bệnh. Một trong những vấn đề quan trọng của Dược lâm sàng Bệnh viện hay Hiệu thuốc là phải nắm rõ về quy chế kê đơn thuốc trong điều trị và vai trò giám sát, tư vấn đối với việc này. Muốn làm tốt công tác đó, các bạn SV, những DS tương lai cần phải biết những vấn đề sau:

Trong điều trị nội trú, kê đơn thuốc là rất quan trọng để đảm bảo chất lượng điều trị. Tuy nhiên, để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của việc kê đơn thuốc, các quy định tiêu chuẩn và quy chế kê đơn thuốc trong điều trị nội trú đã được áp dụng trong ngành y tế. Việc hiểu rõ những quy định này là cực kỳ quan trọng đối với chuyên gia y tế, bệnh nhân và nhân viên y tế.

Thuốc sử dụng tại các cơ sở y tế có vài trò đặc biệt quan trọng trong chăm sóc bảo vệ sức khoẻ người bệnh

Một số quy định liên quan đến quy chế kê đơn thuốc trong điều trị nội trú và ngoại trú đã được quy định trong Thông tư 52/2017/TT-BYT. Theo đó:

– Đối với việc kê đơn thuốc cho người bệnh điều trị ngoại trú, người kê đơn thuốc cần ghi lại chỉ định điều trị vào sổ khám bệnh hoặc phần mềm quản lý người bệnh của cơ sở khám bệnh.

– Đối với quy chế kê đơn thuốc trong điều trị nội trú, nếu tiên lượng người bệnh cần sử dụng thuốc trong vòng từ 1 đến 7 ngày, người kê đơn thuốc cần ghi lại vào Đơn thuốc hoặc Sổ khám bệnh của người bệnh và Bệnh án điều trị nội trú hoặc phần mềm quản lý người bệnh của cơ sở khám bệnh. Trường hợp tiên lượng người bệnh cần sử dụng thuốc trên 7 ngày, người kê đơn thuốc cần tuân theo quy định hoặc chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp để tiếp tục điều trị.

Thông tư 18/2018/TT-BYT đã sửa đổi khoản 3 của Điều 6 trong Thông tư 52/2017/TT-BYT để quy định rõ về yêu cầu chung về nội dung quy chế kê đơn thuốc trong điều trị nội trú. Theo đó, để đảm bảo tính đầy đủ và chính xác của kê đơn thuốc, các thông tin sau cần được ghi rõ:

– Các mục in trong Đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh phải được ghi đủ, rõ ràng và chính xác.

– Địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú phải được ghi đầy đủ: số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố.

– Với trẻ dưới 72 tháng tuổi, kê đơn thuốc phải ghi số tháng tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ của trẻ hoặc người đưa trẻ đến khám bệnh, chữa bệnh.

– Tên thuốc phải được ghi theo tên chung quốc tế hoặc tên thương mại. Ngoài ra, cần ghi rõ nồng độ/hàm lượng, số lượng/thể tích, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng của mỗi loại thuốc. Nếu đơn thuốc có thuốc độc, cần ghi rõ thuốc độc trước khi ghi các thuốc khác.

– Số lượng thuốc gây nghiện phải được ghi bằng chữ, chữ đầu tiên viết hoa. Nếu cần sửa đổi đơn thuốc, người kê đơn phải ký tên ngay bên cạnh nội dung sửa đổi.

– Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị nội trú với đơn thuốc gây nghiện

Để tuân thủ các quy tắc và quy chuẩn cụ thể của Điều 7 Thông tư 52/2017/TT-BYT về việc kê đơn thuốc gây nghiện, cần lưu ý các điểm sau:

– Đơn thuốc “N” được sử dụng để kê đơn thuốc gây nghiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh và phải được làm thành 03 bản: 01 bản lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 01 bản lưu trong sổ khám bệnh của người bệnh; 01 bản cho người bệnh.

– Số lượng thuốc sử dụng để điều trị bệnh cấp tính không được vượt quá 07 ngày.

– Khi kê đơn thuốc gây nghiện, người kê đơn phải hướng dẫn người bệnh cam kết sử dụng thuốc gây nghiện và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải lập danh sách chữ ký mẫu của người kê đơn thuốc gây nghiện và gửi cho các bộ phận có liên quan trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để biết.

Bộ Y tế đã quy định các điều kiện quy chế kê đơn thuốc trong điều trị nội trú hướng thần và thuốc tiền chất. Theo đó, đơn thuốc “H” phải được làm thành ba bản, trong đó một bản được lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một bản lưu trong sổ khám bệnh của người bệnh và một bản lưu tại cơ sở cấp, bán thuốc với dấu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nếu cấp, bán thuốc tại chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thì không cần dấu của cơ sở đó.

Việc kê đơn thuốc cho bệnh cấp tính không được sử dụng quá 10 ngày, trong khi đó, bệnh mạn tính được kê đơn thuốc sử dụng tối đa 30 ngày. Đối với người bệnh tâm thần hoặc động kinh, việc kê đơn thuốc sẽ được thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của chuyên khoa, đồng thời quyết định xem người bệnh có được tự lĩnh thuốc hay không.

Thực hiện tin học hoá các thủ tục hành chính, BYT cũng quy định về việc kê đơn thuốc bằng công nghệ thông tin. Các đơn thuốc “N” và “H” phải được in ra và lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các cơ sở này cần đảm bảo việc lưu trữ đơn thuốc để trích xuất dữ liệu khi cần thiết.

Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị nội trú và ngoại trú sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh, người bệnh và loại thuốc tương ứng. Do đó, cần tuân thủ các quy định cụ thể của Thông tư để đảm bảo việc kê đơn thuốc được thực hiện đúng quy định và mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh.

ThS Lê Quốc Thịnh – Giảng viên Khoa Dược – HMC Mỹ Đình

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *