Quy định bắt buộc nếu muốn học Đại học ngành Y Dược và Sư phạm năm 2020

Tại Quy chế Tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã có những yêu cầu cụ thể trong điều kiện dự tuyển đối với nhóm ngành Đào tạo giáo viên, nhóm ngành Sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

quy định bắt buộc đối với xét tuyển ngành y dược và sư phạm
Quy định bắt buộc nếu muốn vào học ngành Y Dược, Sư phạm năm 2020 (Ảnh minh họa)

Nhiều bạn thí sinh có gửi câu hỏi cho page Cao đẳng Y Hà Nội hỏi các trường Đại học Y dược xét học bạ hay điểm thi, ngưỡng điểm 8,0 đối với xét tuyển kết quả học tập THPT là cả 3 năm hay chỉ năm lớp 12…

Theo quy chế chính thức từ bộ GD&ĐT thì các trường Đại học đào tạo khối ngành sức khỏe, sư phạm chịu tránh nhiệm giải trình quy trình, cơ sở xác định ngưỡng xác định đầu vào quy định của mình với cơ quan quản lý xã hội và với người học.

Như vậy việc dùng hình thức nào, cách thức xét tuyển ra sao, mức điểm ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển ra sao sẽ do các trường ĐH quy định trong giải trình. Thí sinh theo dõi thông tin tại website của các trường ĐH Y dược và ĐH khối ngành sư phạm để biết thêm thông tin.

Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT

Nếu trường đại học xét tuyển sử dụng kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập THPT thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phải đảm bảo các ngưỡng theo quy định của Quy chế này.

Cụ thể, điểm bài thi/môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi/môn thi xét tuyển sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng tổ hợp các bài thi/môn thi theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định.

Đối với nhóm ngành Đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng – Hàm – Mặt, Dược học tối thiểu là 8,0 trở lên.

Đối với các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 trở lên.

Đối với ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao tối thiểu là 6,5 trở lên. Nếu đối tượng dự tuyển là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế hoặc có điểm thi năng khiếu do trường tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0) thì điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 5,0 trở lên.

Đối với ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật tối thiểu là 6,5 trở lên. Nếu đối tượng dự tuyển có điểm thi năng khiếu do trường tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0) thì điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 5,0 trở lên.

Xét tuyển trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non sử dụng kết quả học tập THPT thì điểm bài thi/môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi/môn thi xét tuyển tối thiểu là 6,5 trở lên.

Ngoài tiêu chí học bạ, Bộ GDĐT cũng sẽ căn cứ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc 2 nhóm trên.

Không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT

Nếu không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT mà xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên phải đảm bảo xét tuyển trình độ đại học dựa trên tổ hợp các môn học ở THPT. Học sinh đã tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.

Riêng các ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Xét tuyển trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non dựa trên tổ hợp các môn học ở THPT, người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Trong trường hợp các trường tổ chức thi riêng thì tuyển trình độ đại học, học sinh đã tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại khá hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Riêng các ngành Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, học sinh đạt các điều kiện quy định tại Điều 5 Quy chế này được dự thi tuyển.

Thi tuyển trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non: người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 5,5 trở lên.

Đối với các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, nếu xét tuyển dựa trên tổ hợp các môn học ở THPT thì với các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng – Hàm – Mặt, Dược học, học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.

Đối với các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng: Tuyển học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Nếu tổ chức thi tuyển riêng thì đối với các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng – Hàm – Mặt, Dược học, tuyển học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại khá hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Đối với các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 5,5 trở lên.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *