Nâng cao chất lượng thực tập cho sinh viên ngành Điều dưỡng

Thực tập là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo sinh viên ở các trường đào tạo Y khoa nói chung và các trường đại học, cao đẳng khối ngành điều dưỡng nói riêng, giúp sinh viên củng cố và bổ sung những kiến thức lý thuyết đã học trên lớp, nâng cao kỹ năng giải quyết các vấn đề trong thực tế, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa nhà trường và các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội theo phương châm “Thực hành – thực học – thực nghiệp”. Bồi dưỡng cho sinh viên về y đức, lòng yêu nghề, năng lực chuyên môn thực tế một cách nhạy bén và năng động hơn trong quá trình công tác thực tế sau này.

Tuyển sinh tại đây

Vai trò của thực tập tại các cơ sở y tế, bệnh viện

Trường Cao đẳng Y Hà Nội triển khai cho sinh viên đi thực tập từ kỳ thứ 4 của chuyên ngành điều dưỡng nhà trường. Thời gian thực tập 12 tuần. Đây là cơ hội để các em sinh viên trong khoa được làm việc với giảng viên hướng dẫn các em viết khóa luận, được trải nghiệm thực tế nhiều hơn, được làm quen với nghiên cứu khoa học,…Cụ thể, quá trình này giúp các em thu được những điều gì?

Sinh viên trường Cao đẳng Y Hà Nội háo hức chuẩn bị đi thực tập tại cơ sở y tế.

1. Sinh viên được trải nghiệm trong môi trường làm việc thực tế

Từ kỳ 1 đến hết kỳ 3, phần lớn thời lượng học trên giảng đường là thời gian sinh viên tiếp nhận, trau dồi kiền thức chuyên ngành. Thực tập là một môn (có số tín chỉ nhất định) trong chương trình đào tạo mà sinh viên phải hoàn thành như một môn học. Thời gian thực tập chính là cơ hội để sinh viên trực tiếp áp dụng những kiến thức trong nhà trường vào môi trường làm việc thực tiễn. Một môi trường bệnh viện sẽ rất khác khi ngồi trên ghế giảng đường thu nhận kiến thức. Dù ở vị trí là thực tập sinh song sinh viên sẽ phải hoàn thành công việc được giao phù hợp với năng lực và yêu cầu hoàn thành như một nhân viên y tế.

Sinh viên thực tập tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân tại khoa

– Được nâng cao và hoàn thiện kỹ năng mềm

Dù số ít trường cao đẳng có tổ chức các chương trình hay bộ môn kỹ năng mềm nhưng còn nặng về lý thuyết. Kỹ năng mềm chỉ được nâng cao và hoàn thiện dần trong thực tiễn cuộc sống, trong môi trường làm việc. Thông qua các hoạt động giao tiếp, ứng xử, thuyết trình hay làm việc nhóm trong khi thực tập bệnh viện, sinh viên sẽ dần dần trau dồi và rèn luyện, hoàn thiện kỹ năng mềm bản thân. Không thể phủ nhận ngoài kết quả học tập, kỹ năng mềm sẽ là nhân tố quan trọng không kém giúp sinh viên có cơ hội việc làm, phát triển sau này.

– Cơ hội việc làm và khả năng phát triển

Thời gian thực tập tại bệnh viện, cơ sở y tế cũng là khi sinh viên được làm quen với môi trường mới, con người mới và công việc mới. Mối quan hệ được mở rộng, khi năng lực bản thân được thể hiện qua vị trí làm và có cống hiến tốt chắc chắn sẽ được đền đáp.

Không ít sinh viên dễ dàng  tìm được những vị trí việc làm tốt sau quá trình thực tập tại các cơ sở y tế. Thời gian rèn giũa lúc thực tập là bước đệm vững chắc trang bị kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm, trở thành động lực cho các bạn sinh viên, và giờ là nhân viên y tế chính thức ấy, vươn lên phát triển thuận lợi hơn, cơ hội thăng tiến cũng rộng mở hơn, chạm tay tới những ước mơ ở vùng  trời tri thức.

Trên thực tế, sinh viên chưa thấy được hiệu quả tích cực của việc đi thực tập.  Hầu hết sinh viên không đến nơi thực tập mà chỉ xin chữ ký của để nộp. Một số sinh viên đến các khoa thì chỉ làm những công việc hành chính hoặc chưa đúng chuyên môn, chưa mạnh dạn xin tiếp cận với công việc mà mình sẽ làm trong tương lai vì thế chưa thấy được hiệu quả của việc đi thực tập. Nhiều bạn thiếu mất tinh thần học hỏi, cầu tiến , phần lớn rơi vào tình trạng bị động do tâm lí ngại ngùng ở môi trường mới. Nhiều sinh viên lại chưa có tính năng động, mang tâm lí chủ quan và lệ thuộc vào bố mẹ, thầy cô, bạn bè, thậm chí lười biếng không hoàn thành công việc được giao hoặc  thực hiện các nhiệm vụ một cách chống đối, gây trì trệ không chỉ tiến độ thực tập của cá nhân mà còn ảnh hưởng tinh thần, kết quả thực tập của đội nhóm. Mối nguy hại nhất chính là sự lãng phí những kiến thức lâm sàng và thời gian quý báu.

 Một số giải pháp

            Về phía nhà trường

Có thể thấy định hướng giáo dục của quá trình thực tập của sinh viên ngành y dược nói chung và sinh viên ngành điều dưỡng nói riêng có những  khía cạnh chưa phù hợp với thực trạng của một vài bệnh viện, cơ sở y tế.

Vậy phải làm sao để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của quá trình thực tập  duy trì phương châm của nhà trường dành cho xã hội là: “Đào tạo những gì xã hội cần”? Đó là một bài toán khó mà nhiều năm nay chúng ta vẫn đi tìm lời giải mà vẫn chưa có được một đáp án tối ưu và vẫn còn là trăn trở của cán bộ giảng viên nhà trường.

Nhà trường đã và đang áp dụng để các giải pháp để nâng cao chất lượng thực tập:

Một là, tuyên truyền nhận thức cho sinh viên trước khi đi thực tập về tầm quan trọng của việc liên hệ thực tập nghiêm túc tại các đơn vị cơ sở y tế, điều này là nền tảng cho các nghiên cứu thực tế để đi đến kết quả là báo cáo thực tập trung thực và đạt chất lượng, đồng thời đây là cơ hội có một không hai để sinh viên tiếp cận thực tế để mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau này. Các em cần loại bỏ tư tưởng đáng phê phán “copy luận văn”, “thực tập trên giấy” và các tiêu cực khác liên quan đến kỳ làm thực tập.

Hai là, Tổ chức các buổi ôn tập và sát hạch kiểm tra tay nghề, buổi trao đổi kinh nghiệm  giữa giáo viên và sinh viên, nhằm đảm bảo trang bị đủ khối lượng kiến thức và kĩ năng trước khi đi thực tập tại các cơ sở y tế, giúp sinh viên tự tin, tránh bỡ ngỡ với môi trường mới và nhanh chóng hoà nhập để phát triển. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh việc quản lý nghiêm khắc thời gian thực tập, thời gian nộp báo cáo… đưa ra thời gian biểu rõ ràng kết hợp với công tác điểm danh chặt chẽ; có hình thức khiển trách thích đáng với các sai phạm trong quá trình thực tập và làm báo cáo: nộp sai về thời gian, không đảm bảo chất lượng… đặc biệt là tình trạng sao chép báo cáo các khóa trước.

Sinh viên ngành điều dưỡng tham gia kì thi sát hạch tay nghề trước khi đi thực tập bệnh viện.

Ba là, giảng viên hướng dẫn có thể liên hệ với các cơ sở thực tập để kiểm tra quá trình thực tập của sinh viên mình nếu giảng viên nhận thấy những điểm bất hợp lý trong quá trình thực tập.

Bốn là, việc đánh giá kết quả thực tập cần thực hiện chặt chẽ giống như chấm thi các môn học khác, đề cao hơn nữa nguyên tắc độc lập trong đánh giá kết quả theo phương châm: giảng viên hướng dẫn tận tình, giảng viên phê bình nghiêm khắc, giảng viên chấm điểm chuẩn xác.

           Về phía sinh viên

Trước hết, là các bạn sinh viên cần làm gì mới tìm được chỗ thực tập như mình mong muốn? Việc đầu tiên các bạn làm là phải trả lời các câu hỏi:” Bạn đang học ngành gì?”, điều dưỡng, dược sĩ, kĩ thuật viên xét nghiệm, … “Bạn có muốn thực tập theo đúng ngành học của mình không ?”. Khi đã xác định được những câu trả lời trên, cần tiếp tục với các câu hỏi: “Bạn muốn thực tập ở đâu?”, bệnh viện tuyến đầu hay tuyến dưới? Tiếp đó, sinh viên cần lập danh sách tổng quan những yêu cầu và đầu việc cần thực hiện, khi đến cơ sở y tế các bạn phải lưu ý những gì và thống nhất cùng các giáo viên hướng dẫn để đưa ra kế hoạch thực tập tốt nhất.

Sinh viên ngành điều dưỡng tham gia buổi chia sẻ kinh nghiệm và định hướng kế hoạch thực tập.

Thứ nhất là quan sát. Đây là điều quan trọng hơn hết, nó có giá trị lớn về việc học hỏi kinh nghiệm lâm sàng. Không giống như ở trường, đây là môi trường bệnh viện thực tế. Các bạn sinh viên sẽ sử dụng tri thức và kĩ năng sau các kì học trước vào đây. Những đồng nghiệp, người điều dưỡng tại các khoa phòng không thể dành nhiều thời gian giải thích, hướng dẫn mọi thứ, vì vậy khi họ trả lời những câu hỏi của các bạn sinh viên hoặc chỉ dạy các kĩ thuật hay bệnh học, điều quan trọng nhất phải là sự chú ý. Hơn cả sự chú ý đó, sinh viên cần quan sát về những gì đang diễn ra xung quanh. Về sự giao tiếp, mục tiêu và ứng xử trong môi trường bệnh viện: giao tiếp với bệnh nhân, ứng xử với đồng nghiệp, mục tiêu công việc…

Tiếp theo là tìm kiếm người cố vấn hướng dẫn. Tìm một người có khả năng trả lời những câu hỏi của bạn và hỗ trợ cho quá trình thực tập của bạn. Hỏi về công việc, về bệnh viện, và về mỗi lĩnh vực chuyên ngành. Khám phá ra phương hướng mà họ đi lên trong sự nghiệp, và những lời khuyên dành chân thực. Thiết lập mối quan hệ tốt với những người đó có thể hỗ trợ trong một thời gian dài kể cả sau khi kết thúc quá trình thực tập. Đề xuất sự giúp đỡ đối với người cố vấn về những dự án đặc biệt hoặc các hoạt động khác, làm cho chính bạn trở nên có giá trị đối với bệnh viện và giáo viên hướng dẫn.

Kế tiếp là phải chấp nhận thực tế với một số cản trở gặp phải trong việc thực tập của mình, đôi  khi sẽ làm cho bản thân cảm thấy thấp kém và chán nản, hoặc chỉ đơn giản là bị lạc lõng. Đôi khi không thể quyết định được những điều quan trọng xung quanh, vì hạn chế về quyền hạn. Bí quyết để cho mọi việc tốt hơn là làm một công việc nổi bật với những nhiệm vụ được phân công. Sau đó hãy yêu cầu nhiều hơn. Đảm nhận bất cứ những gì có thể và phải thể hiện được cách thức tiến hành một cách nhanh chóng và chính xác. Thậm chí nếu đó là những công việc hành chính  không liên quan chuyên môn như việc sắp xếp giấy tờ, gửi tài liệu,… thì sự nhiệt tình và nỗ lực vẫn sẽ được công nhận, được đánh giá cao và được mọi người ghi nhớ.

Cuối cùng là sự chuyên nghiệp: Thời gian thực tập là lúc quan trọng để làm quen một công việc trong tương lai, do đó cần tập trung làm việc, đồng thời có những hành động hết sức chuyên nghiệp. Đừng thể hiện sự chậm trễ, tán gẫu qua điện thoại, nghỉ giải lao quá nhiều trong giờ làm việc hoặc mang cuộc sống cá nhân vào nơi làm việc. Thể hiên một nhân viên chuyên cần,có kĩ năng và hết lòng với công việc và học hỏi mọi người.

Trên đây là một số giải pháp nâng cao chất lượng của quá trình thực tập cho sinh viên, hi vọng rằng với sự nỗ lực của nhà trường, sự nhận thức đúng đắn của sinh viên và sự ủng hộ của các đơn vị thực tập, quá trình thực tập tốt nghiệp thực sự trở thành một chiếc cầu nối cho sinh viên bước tiếp những chặng đường tương lai của sự nghiệp học tập và xây dựng đất nước.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *