Thuốc phối hợp bộ 3 hoạt chất cho bệnh nhân hen phế quản và COPD

Bệnh nhân bị hen phế quản (HPQ) hoặc phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thể tăng nặng thường phải dùng nhiều thuốc kết hợp và dùng thuốc cả đời.

Việc dùng thuốc cần phải tuân thủ hướng dẫn điều trị của thầy thuốc chuyên khoa, theo đúng liệu trình điều trị và dùng thuốc đúng cách. Chính vì vậy, việc kết hợp 2 hoặc 3 hoạt chất dạng bột trong một bình thuốc để sử dụng hít hoặc phun sương vào đường hô hấp qua miệng của người bệnh được các nhà sản xuất dược phẩm rất quan tâm. Mới đây, thuốc bào chế dưới dạng bình hút bột khô định liều phối hợp cả 3 hoạt chất là Fluticasone  Umeclidinium và Vilanterol đã được đưa ra thị trường. Thuốc này được chỉ định trong điều trị HPQ, COPD bao gồm viêm phế quản, khí phế thủng hoặc cả hai.

Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thể tăng nặng thường phải dùng nhiều thuốc kết hợp trong phác đồ điều trị

Một dạng phối hợp bộ 3 hoạt chất khác là budesonide + glycopyrrolate + formoterol fumarate là thuốc cũng vừa được phê duyệt tại Hoa Kỳ để điều trị duy trì cho bệnh nhân mắc bệnh COPD.

Thuốc phối hợp bộ 3 hoạt chất này được khuyến cáo chỉ dùng trong điều trị COPD là một bệnh viêm phổi mãn tính được gây ra luồng khí bị tắc nghẽn từ phổi. Các triệu chứng bao gồm khó thở, ho, tiết chất nhầy và thở khò khè. Những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư phổi và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Trước đây, đã có nhiều dạng bình xịt phối hợp 2 hoạt chất. Hoạt chất Fluticasone là một corticoid tác dụng kháng viêm và ngăn chặn sự giải phóng các chất trong cơ thể gây viêm. Hoạt chất Umeclidium tác dụng kháng cholinergic. Hoạt chất Vilanterol tác dụng giãn phế quản. Thuốc phối hợp bộ 3 hoạt chất kiểu này được bào chế dưới dạng bình hút bột khô nên được dùng bằng đường hít qua miệng. Người bệnh cần thực hiện đúng thao tác dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và nhân viên y tế. Liều thuốc được khuyến cáo là hít mỗi ngày 1 lần và 3 hoạt chất có tác dụng kéo dài trong 24h. Người bệnh cần lưu ý không được tự ý tăng liều thuốc hoặc ngưng sử dụng thuốc đột ngột khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

Thuốc phối hợp bộ 3 hoạt chất dạng hít là thuốc chính để quản lý HPQ và COPD thể nặng

Thuốc này có chứa hoạt chất corticoid, vì vậy cần thận trọng nếu dùng thêm các corticoid khác.

Một số tác dụng phụ phổ biến có thể gặp khi dùng thuốc bao gồm các triệu chứng cảm cúm hoặc cảm lạnh như nghẹt mũi, sổ mũi, ho, đau họng, tức ngực; nôn, buồn nôn; Khàn tiếng, lở miệng; đau đầu, thay đổi vị giác; Loét hoặc xuất hiện mảng trắng trong cổ họng, miệng…Chống chỉ định sử dụng thuốc này ở người bệnh dị ứng với Fluticasone, Umeclidinium hoặc Vilanterol.

Trước khi sử dụng thuốc phối hợp bộ 3 hoạt chất trong điều trị HPQ hoặc COPD, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải một trong những tình trạng  huyết áp cao, mắc bệnh tim, động kinh, hệ thống miễn dịch suy yếu, nhiễm trùng do vi khuẩn, vi nấm hoặc virus, bệnh gan, bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể hoặc các vấn đề về thị lực, người mắc bệnh tiểu đường, loãng xương hoặc rối loạn tuyến giáp, phì đại tuyến tiền liệt, tắc nghẽn bàng quang hoặc các vấn đề về tiểu tiện…

Điều trị bệnh HPQ hoặc COPD giai đoạn ổn định nhằm ngăn ngừa các đợt cấp và cải thiện chức năng sinh lý phổi

Để ngăn ngừa nguy cơ khô miệng, khàn giọng và nhiễm nấm men miệng do steroid, người bệnh nên súc miệng bằng nước sau mỗi lần dùng thuốc.Trường hợp người bệnh đang điều trị bằng thuốc khí dung cắt cơn nhanh như Albuterol, Salbutamol theo lịch trình mỗi ngày thì cần ngưng và chỉ sử dụng các loại thuốc này khi cần thiết. Người cao tuổi có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc cao hơn các đối tượng khác. Loại thuốc phối hợp nhiều thành phần này có thể tương tác với các thuốc kháng nấm nhóm Azole như Ketoconazole, thuốc ức chế Protease HIV như Lopinavir, Ritonavir…Thuốc kháng Cholinergic như Ipratropium, Tiotropium hoặc các thuốc LABA như Salmeterol, Formoterol…

Điều trị bệnh HPQ hoặc COPD giai đoạn ổn định nhằm ngăn ngừa các đợt cấp và cải thiện chức năng sinh lý phổi  bệnh nhân cần phải cai thuốc lá, thuốc lào và tuân thủ liệu pháp điều trị bằng thuốc. Tăng cường dinh dưỡng, phục hồi chức năng hô hấp bao gồm tập thể dục và sịnh hoạt điều độ, khoa học, vừa sức.

Thuốc phối hợp bộ 3 hoạt chất dạng hít là thuốc chính để quản lý HPQ và COPD thể nặng. Tần suất các đợt cấp có thể giảm với việc sử dụng thuốc kháng cholinergic, corticoid dạng hít, hoặc các chất chủ vận beta kéo dài. Sự lựa chọn ban đầu giữa các corticoid với chất chủ vận beta tác dụng ngắn, các chất chủ vận beta tác dụng kéo dài, thuốc kháng cholinergic, phối hợp chủ vận beta và kháng cholinergic phụ thuộc và kê đơn của thầy thuốc và chi phí, tính thuận tiện sẵn có của thuốc và sở thích cũng như căn cứ vào tình trạng thực tế của bệnh nhân.

Đối với việc điều trị bệnh giai ổn định mạn tính tại nhà, dùng thuốc bình xịt định liều hoặc thuốc hít bột khô được ưu tiên sử dụng hơn thuốc dạng khí dung; máy khí dung ở nhà có thể bị nhiễm bẩn do làm sạch và làm khô không đầy đủ. Đối với bình xịt định liều, bệnh nhân nên được hướng dẫn thở ra hết dung tích cặn chức năng, hít phải bình xịt từ từ để đạt được tổng thể phổi và nín thở từ 3 đến 4 giây trước khi thở ra. Các buồng đệm giúp đảm bảo phân phối thuốc tốt nhất tới đường thở nhỏ và làm giảm tầm quan trọng của phối hợp đồng thì việc xịt thuốc và hít vào của bệnh nhân.

                                                                                                                      ThS Lê Quốc Thịnh – Giảng viên Khoa Dược

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *