Các ngành Chăm sóc sức khỏe và làm đẹp những năm gần đây càng thể hiện được độ “hot” và sự thiết yếu trong hệ thống nghề nghiệp tại Việt Nam. Vậy khối ngành này gồm những ngành nghề nào, cần có bằng cấp gì để được hành nghề và làm việc tại những đơn vị nào? – Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể qua bài viết này nhé!
Hệ thống các ngành nghề Chăm sóc sức khỏe
Nghề Chăm sóc sức khỏe được định nghĩa là các ngành nghề có vai trò chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân và người dân, nhằm cải thiện, nâng cao tình trạng sức khỏe. Người làm công tác Chăm sóc sức khỏe chủ yếu công tác tại các cơ sở y tế, bao gồm cả công lập và ngoài công lập, các bệnh viện trực tiếp khám chữa bệnh và các trung tâm y tế dự phòng.
Hệ thống các ngành nghề về Chăm sóc sức khỏe có thể điểm tên một số nghề trọng điểm dưới đây:
Y bác sĩ
Y bác sĩ là người trực tiếp khám bệnh và thực hiện các chỉ định y khoa trong quá trình điều trị như: Kê đơn thuốc, vào viện, chuyển tuyến, phẫu thuật, ra viện.
Để làm việc với danh nghĩa Y bác sĩ, bản thân mỗi người làm nghề cần đáp ứng yêu cầu về bằng cấp tiêu chuẩn:
- Bác sĩ: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Bác sĩ. Ngoài bác sĩ đa khoa thì các bác sĩ chuyên khoa chỉ được phép làm việc tại đúng khoa chuyên môn được đào tạo.
- Y sĩ: Tốt nghiệp trung cấp Y sĩ. Thực hiện các nhiệm vụ: Đo các chỉ số sinh tồn, chuẩn bị cho bệnh nhân tham gia các bài đánh giá Y khoa, giải thích quy trình điều trị và tập hợp các kết quả xét nghiệm, tham gia vào quy trình lấy máy, đo điện tâm đồ và hướng dẫn phát thuốc.
Nơi làm việc của các y bác sĩ chủ yếu tại các bệnh viện công từ tuyến trung ương đến địa phương, các bệnh viện tư và bệnh viện quốc tế. Ngoài ra, một số lượng nhỏ y bác sĩ được phân công làm việc tại trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng.
Điều dưỡng
Khác với y bác sĩ, Điều dưỡng đảm nhiệm công việc chăm sóc bệnh nhân, đồng thời giữ vai trò cầu nối giữa bệnh nhân và bác sĩ tại các trung tâm y tế. Công việc của một người Điều dưỡng khá linh hoạt, trong đó bao gồm nhiễm nhiệm vụ tiêu biểu như: Đón tiếp bệnh nhân, lập và theo dõi bệnh án, trực tiếp thực hiện các thủ thuật: tiêm truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, hỗ trợ điều phối ca mổ.
Người làm nghề Điều dưỡng cần tốt nghiệp tối thiểu bậc Trung cấp, và sẽ được thăng hạng khi đạt đủ kinh nghiệm, thời gian làm việc cũng như học liên thông lên bằng cấp cao hơn.
Đơn vị làm việc cần lực lượng Điều dưỡng viên nhiều nhất vẫn là các bệnh viện. Ngoài ra, các trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng hay viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội cũng quy tụ một số lượng nhỏ các nhân sự Điều dưỡng.
Dược sĩ
Dược sĩ là thuật ngữ chỉ chung những người làm công việc liên quan tới thuốc, bao gồm cấp phát thuốc, bán thuốc thành phẩm, nghiên cứu, bào chế thuốc.
Hai loại hình đơn vị làm việc chủ đạo của Dược sĩ là tại các bệnh viện và cửa hàng bán thuốc. Và mỗi nơi làm việc có yêu cầu cụ thể về trình độ chuyên môn, bằng cấp:
- Cấp phát thuốc tại bệnh viện: Tốt nghiệp cao đẳng trở lên
- Chủ nhà thuốc: Tốt nghiệp đại học
- Chủ quầy thuốc: Tốt nghiệp cao đẳng trở lên
- Nhân viên bán tại nhà thuốc và quầy thuốc: Tốt nghiệp trung cấp trở lên
Hộ sinh
Hộ sinh là những người trực tiếp làm công tác hỗ trợ sinh nở tại các bệnh viện. Họ thường là nữ, còn được gọi danh là các nữ hộ sinh, hay y tá hộ sinh. Công việc của người hộ sinh rất quan trọng, đó là các nhiệm vụ: Hỗ trợ công tác chuẩn bị cho ca sinh, chăm sóc mẹ, tắm bé, làm vệ sinh phòng sinh sau mỗi ca sinh nở.
Người làm nghề hộ sinh cần tốt nghiệp Trung cấp trở lên, làm việc tại các bệnh viện chuyên khoa sản hoặc bệnh viện đa khoa các tuyến.
Hệ thống các ngành nghề về Làm đẹp
Nghề Làm đẹp (hay Thẩm mỹ, Chăm sóc sắc đẹp) thường được nhắc đến tiêu chuẩn y khoa bởi công việc tác động tới cơ thể người để “tu bổ” nhan sắc cho khách hàng một cách an toàn. Ngành Làm đẹp khá rộng, và trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin phép chỉ điểm tên những công việc có “đụng chạm đến da thịt”, cần đảm bảo tuyệt đối các nguyên tắc về an toàn y tế.
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, Bác sĩ nha khoa
Bậc cao nhất của nghề Thẩm mỹ cần nhắc đến các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và bác sĩ nha khoa. Họ là những người trực tiếp thực hiện thủ thuật tác động đến các vị trí trên cơ thể người với các dịch vụ như: Chỉnh hình khuôn mặt, nâng ngực, làm mông,… (với bác sĩ Thẩm mỹ), hay cắm Implant, phẫu thuật chỉnh hàm hô – móm (với bác sĩ nha khoa).
Về bằng cấp, bác sĩ Nha khoa cần tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Răng Hàm Mặt. Còn bác sĩ trực tiếp phẫu thuật thẩm mỹ cần đạt tiêu chuẩn là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng tại chuyên khoa.
Nơi làm việc lý tưởng cho các bác sĩ ngành Thẩm mỹ là các Bệnh viện thẩm mỹ, nha khoa quốc tế, hay khoa Răng hàm mặt, khoa Phẫu thuật – Chỉnh hình tại các bệnh viện tuyến trung ương.
Kỹ thuật viên Chăm sóc da
Chăm sóc Da ngày càng trở thành ngành nghề thời thượng bởi nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của khách hàng. Người kỹ thuật viên Spa có nhiệm vụ trực tiếp thực hiện các ca dịch vụ chăm sóc da như: Triệt lông, trị mụn – sẹo, trị nám – tàn nhang, massage, gội đầu trị liệu, tắm trắng.
Bên cạnh đó, tại những cơ sở làm đẹp quy mô vừa và nhỏ, kỹ thuật viên thường kiêm thêm các hạng mục công việc như: Đón tiếp, tư vấn khách hàng, theo dõi lịch hẹn, kiểm tra, bảo dưỡng máy móc định kỳ.
Kỹ thuật viên Chăm sóc Da làm việc chủ yếu tại các Spa, với yêu cầu về chuyên môn: Tốt nghiệp hệ trung cấp trở lên. Trong đó, người trực tiếp thủ thuật cần có đủ thời gian học việc, làm thuần thục trên mẫu trước khi làm thực tế cho khách hàng.
Kỹ thuật viên Phun thêu thẩm mỹ
Phun thêu được là một trong các dịch vụ thẩm mỹ được thực hiện tại các Spa lớn hoặc được các Kỹ thuật viên mở cơ sở dịch vụ riêng. Đây là mảng dịch vụ làm đẹp cho các vị trí đặc trưng như môi, lông mày, lông mi, và phun xăm trên da theo yêu cầu của khách hàng.
Bên cạnh Phun xăm đã được biết đến từ khá lâu, thì những năm gần đây, điêu khắc (thêu) đối với lông mày đã và đang được nhiều khách hàng ưu tiên lựa chọn bởi tạo hình giống với tự nhiên.
Giống như Chăm sóc Da, Kỹ thuật viên phun thêu và chủ các cơ sở dịch vụ cá nhân cần tốt nghiệp bậc trung cấp trở lên, cũng như có đủ kinh nghiệm làm trên mẫu trước khi trực tiếp làm thủ thuật cho khách hàng.
Bài viết của chúng tôi chắc hẳn đã giúp các bạn có được những thông tin cần thiết cho mối quan tâm về ngành chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Nếu bạn có niềm đam mê với các chuyên ngành về sức khỏe hay thẩm mỹ thì hãy quyết tâm theo đuổi để có được chuẩn bằng cấp, đủ kinh nghiệp và gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp nhé. Chúc các bạn thành công!