
Cuộc vận động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đang diễn ra sôi nổi trên cả nước, ngành y tế cũng không ngoại lệ. Trong lĩnh vực dược phẩm, tâm lý sính thuốc ngoại lâu nay vẫn còn nặng nề trong nhân dân và bắt nguồn từ việc kê đơn thuốc ngoại của một bộ phận không nhỏ các thầy thuốc. Vì vậy, khi giảng dạy môn Thực hành bán thuốc 1 cho SV Cao đẳng Dược, các sản phẩm thuốc nội, do doanh nghiệp Dược trong nước sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP được đội ngũ giảng viên Khoa Dược chú trọng trong đưa mẫu sản phẩm thực hành tại quầy thuốc.
Ngành dược là một ngành kinh doanh có điều kiện. Về mặt luật pháp, ngoài việc chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật áp dụng chung cho các ngành kinh tế như luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật cạnh tranh… ngành dược còn chịu sự điều chỉnh của Luật Dược. Về mặt quản lý nhà nước, ngoài chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý kinh tế nói chung, ngành dược còn chịu sự quản lý của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc đạt các tiêu chuẩn GPs, ISO của WHO hoặc EU, tuy nhiên sức cạnh tranh của các sản phẩm của các DN dược trong nước chưa cao, tỷ trọng sản xuất phần lớn là các thuốc có giá trị thấp, chưa sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc hiệu có kỹ thuật khó, hàm lượng chất xám, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao. Thời gian gần đây, thuốc sản xuất trong nước đang ngày càng được người tiêu dùng tín nhiệm do có nhiều sản phẩm generic đã có mặt trên thị trường với chất lượng đảm bảo và hình thức đóng gói đẹp mắt.

Công nghiệp dược Việt Nam hiện đang đối mặt với tác động của kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng tiêu cực của quá trình mở cửa thị trường dược phẩm theo các cam kết quốc tế khi gia nhập WTO và Hiệp định TPP. Tuy nhiên, dù được đánh giá là một trong những ngành có nhiều tiềm năng phát triển và khả năng mang lại lợi nhuận cao nhưng hiện chúng ta mới có một số ít doanh nghiệp tên tuổi trong gần 200 công ty dược phẩm của cả nước, và vẫn chưa có một “thương hiệu” nào được khẳng định trên thị trường thế giới. Nếu các nhà sản xuất dược phẩm Việt Nam không đầu tư đúng mực vào khoa học – công nghệ, nghiên cứu – phát triển và nâng cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật, tiếp cận với trình độ quản lý của công nghiệp dược khu vực và thế giới thì thuốc nội vẫn còn lép vế trước thuốc ngoại và danh mục thuốc sử dụng trong bệnh viện cũng như các thuốc OTC vẫn chiếm đa số là thuốc nhập khẩu.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các nhà máy đạt các chuẩn GMP, xây dựng hệ thống quản lý, công nghệ sản xuất, hệ thống phân phối… các doanh nghiệp dược trong nước cần phải có kế hoạch liên kết để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Một doanh nghiệp khó có thể làm tốt được tất cả các công đoạn của chu trình kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng cần thống nhất không sản xuất những mặt hàng đã có quá nhiều nơi khác làm. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác trong chuyển nhượng bản quyền sản xuất, gia công sản phẩm. Cần kiên quyết không cho nhập khẩu những mặt hàng mà trong nước đã sản xuất trên dây chuyền GMP, giá thấp hơn mặt hàng cùng loại nhập khẩu, đã được thị trường chấp nhận, đáp ứng đủ cho công tác chữa bệnh. Trong phân phối có thể hợp tác là đại lý phân phối hàng sản xuất, hợp tác trong công tác đấu thầu để bổ sung năng lực, danh mục hàng, uy tín, mối quan hệ nhằm đạt hiệu quả trong việc quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp dược Việt Nam trên thị trường.

Để các bệnh viện và người dân sử dụng thuốc nội theo chủ trương “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” cần có một chính sách quản lý vĩ mô từ khâu sản xuất, nhập khẩu và phân phối thuốc. Nếu thuốc nội không chiếm lĩnh được thị trường, không nâng cao chất lượng sản phẩm thì người bệnh vẫn sẽ không mặn mà với dược phẩm trong nước. Bên cạnh đó, cần có quy chế khuyến khích để các thầy thuốc kê đơn thuốc trong nước bởi vì việc dùng thuốc của người bệnh phụ thuộc vào bác sĩ. Hiện nay đa số các bệnh viện lớn đầu ngành ở các trung tâm trong cả nước đều có xu hướng sử dụng thuốc nhập khẩu rất nhiều khiến cho các thuốc ngoại càng có đất dụng võ. Tâm lý sính thuốc ngoại trong ngành y đang khiến cho người bệnh phải trả thêm những khoản không đáng có trong chi phí điều trị. Thuốc nội có lên ngôi được hay không trong chiến dịch “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” có lẽ lại phải bắt đầu từ ngòi bút kê đơn của các thầy thuốc tại các bàn khám bệnh trong cả nước.
ThS Lê Quốc Thịnh – Giảng viên Khoa Dược