Phương pháp học tích cực của sinh viên Khoa Dược HMC – “học qua hành” – nhấn mạnh quá trình học tập và tiếp thu chứ không chú trọng vào kết quả, giúp cho người học phát triển khả năng tư duy độc lập, kỹ năng tự học và kỹ năng giải quyết vấn đề. Phương pháp này tập trung vào việc khuyến khích và động viên người học tự giác tìm kiếm từ nhiều nguồn thông tin, học bằng cách đọc, tự mình tổ chức, xử lý và tổng hợp thông tin thay vì lệ thuộc vào các bài giảng của giáo viên. Phương pháp học tích cực đòi hỏi người học phải có thái độ “tích cực”, tham gia vào các hoạt động như giải thích điều đã học dựa trên quan điểm riêng của người học, chia sẻ ý kiến cá nhân, trao đổi, tranh luận, phân tích, suy luận và ứng dụng thực tế nhằm tích lũy thêm nhiều tri thức cũng như kỹ năng cần thiết để nâng cao năng lực giải quyết vấn đề…
Phương pháp học tích cực đòi hỏi người học chịu trách nhiệm về việc học của chính mình. Vì vậy, việc xây dựng thói quen học tốt và biết cách quản lý thời gian hiệu quả sẽ giúp bạn thích nghi tốt với phương pháp học tích cực (Active Learning) này. Một số phương pháp có thể áp dụng:
- Học bằng cách đọc
- Học bằng cách viết tay – Việc ghi chú bằng tay giúp cải thiện khả năng tiếp thu. (Đối với việc ghi chú bằng máy tính / máy tính bảng thì ghi chú bằng viết tay cũng hiệu quả hơn – Don’t take notes with a laptop)
- Học theo nhóm: Thảo luận giúp người học rèn luyện tư duy phản biện và học cách trao đổi, trình bày quan điểm của bản thân trước nhiều người. Đồng thời tạo thêm hứng thú và giúp người học tham gia tích cực hơn, học được nhiều hơn thay vì thụ động ngồi nghe giảng hay đọc sách.
- Đôi bạn cùng tiến
- Tranh luận
- Học bằng cách đặt câu hỏi: 5W 1H – (Who, What, Where, When, Why), (How)
- Làm bài tập – Học cách giải quyết vấn đề, áp dụng lý thuyết vào thực tế.
- Học từ thất bại – Để cảm giác thất bại hủy hoại bản thân hay biến chúng thành động lực vượt qua thử thách chính là chọn lựa của riêng bạn.
Hình thành các thói quen học tập tốt
Rũ bỏ suy nghĩ “Học nghĩa là mở sách/tài liệu ra rồi đọc, sau đó cố gắng ghi nhớ nội dung” – Một số người đọc sách nhưng tâm trí không tập trung vào nội dung quyển sách mình đang đọc, số khác lại chịu ảnh hưởng của các vật dụng công nghệ cao. Nhiều người chỉ đọc vài phút liền rơi vào giấc ngủ. Để có thể cải thiện kỹ năng đọc và hiệu quả học, bạn cần loại bỏ mọi thứ có thể khiến bạn xao nhãng và ngắt quãng quá trình học của mình. Đây là vài lời khuyên ngắm giúp bạn học tốt hơn:
- Có khu vực dành riêng cho học tập – Nếu không có không gian riêng tại nhà, hãy tìm đến thư viện hoặc những nơi vắng vẻ, yên tĩnh. Đừng cho phép bản thân mình chú ý tới bất kỳ cái gì khác ngoài việc học.
- Lên kế hoạch và đặt mục tiêu cho từng lần học – Việc đề ra các mục tiêu và gạch bỏ chúng sau khi hoàn thành sẽ giúp bạn cảm nhận được kết quả của sự nỗ lực.
- Ghi chú những điều quan trọng cần phải nhớ vào một quyển sổ và thường xuyên mang sổ theo bên người. Bởi vì cố gắng ghi nhớ không phải là một lựa chọn khôn ngoan.
- Nghỉ ngơi đều đặn để giữ cho tâm trí luôn minh mẫn và tỉnh táo – Bạn không cần phải học mọi lúc, bạn cần học hiệu quả. Vì vậy hãy dành ra khoảng thời gian nghỉ ngơi chất lượng, giúp thư giãn và điều tiết mắt.
Kỹ năng đọc
Kỹ năng đọc rất quan trọng đối với sự học. Đối với SV học ngành Dược, cần phải đọc và viết thành thạo các tên thuốc và hoạt chất làm thuốc. Bạn cần ý thức và chủ động phát triển thói quen đọc tốt mới có thể tiến xa trên con đường tự học. Trước khi đọc một chương trong sách, bạn cần xem kỹ mục lục để nắm bắt ý tưởng và kết cấu của cuốn sách. Sau khi đọc xong mỗi đoạn, hãy tạm ngừng một chút và tự hỏi bản thân ý chính của đoạn văn này là gì, tóm tắt ý chính rồi ghi chú vào sổ tay riêng (sổ thông thái). Với những quyển sách có các sơ đồ và biểu đồ, bạn cần đảm bảo rằng bạn hiểu rõ chúng. Khi đọc, đừng cố dịch từng từ vì nếu bạn là như vậy thì bạn sẽ bỏ lỡ ý chính của cả đoạn văn. Ban đầu, bạn nên đọc lướt cả đoạn để nắm lấy ý chung. Sau đó, hãy đọc lại một lần nữa. Nghĩa văn bản sẽ trở nên rõ ràng hơn khi bạn đã nắm được ý chính. Nếu lúc này bạn vẫn không hiểu thì hãy dùng từ điển để kiểm tra nghĩa của một số từ quan trọng.
Học mà không hiểu, không biết cách thực hành điều bạn đã học. Không phải là học. Ghi nhớ không phải là học.
ThS Lê Quốc Thịnh – Giảng viên Khoa Dược